Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

GIỚI THIỆU THỂ THƠ SONNET - XÔNÊ - HÌNH THỨC, BỐC CỤC, CÁCH GIEO VẦN, ĐẶC ĐIỂM NỘI DUNG TƯ TƯỞNG... - MINH HỌA BẰNG TÁC PHẨM TỰ SÁNG TÁC

1. Đặc điểm của thể thơ Sonnet – Xônê:

Sonnet – Xônê tiếng Italia: soneto, có nghĩa là bài hát nhỏ. Tiếng Anh, tiếng Nga và hầu hết các thứ tiếng khác đều đọc là xônét, ở Việt Nam quen gọi theo tiếng Pháp là xônê; theo truyền thống, trong bài này chúng tôi để nguyên như vậy), với tư cách một thể thơ hoàn chỉnh xuất hiện vào thế kỉ thứ 13, người sáng tạo ra nó có lẽ là những nhà thơ Provence (Pháp) và được củng cố phát triển tới đỉnh cao nhất trong tác phẩm của các nhà thơ Italia vĩ đại thời Phục Hưng, là Ðăngtơ và Pêtrac. Nó là một thể thơ có niêm luật chặt chẽ cả về cấu trúc lẫn quy tắc gieo vần, và nhất thiết bao giờ cũng phải mười bốn câu.


Xônê cổ điển Italia được chia thành bốn khổ, hai khổ bốn câu và hai khổ ba câu, với hệ thống gieo vần như sau:

abba - abba - ccd - ede,
hoặc abab - abab - ccd - eed.

Ngoài ra còn có các cách phân bố vần như:

1) vần bằng phẳng: AA BB CC;

2) vần chéo: AB AB CDCD;

3) vần ôm: ABBA CDDC và

4) vần lặp (lặp lai ít nhất 3 lần: AAAB (LTP).

Trong khổ thứ nhất, mà ngay câu đầu tiên, tác giả phải trình bày chủ đề bài thơ, nghĩa là giới thiệu với người đọc những gì mình định nói, và chủ đề ấy sẽ được phát triển tiếp ở khổ thứ hai. Trong hai khổ ba câu còn lại, tác giả sẽ trình bày cách giải quyết vấn đề đã nêu ở hai khổ trên và những kết luận rút ra từ suy nghĩ của người viết.

Từ thế kỉ thứ 16, xônê bắt đầu lan sang các nước châu Âu khác, trong đó có Anh. Lúc đầu các nhà thơ Anh viết theo hình thức cổ điển Italia (nhiều bài đơn thuần chỉ là bản phỏng dịch các tác giả nước ngoài), nhưng dần dần họ tạo được cho mình một hình thức riêng, gọi là Xônê Anh, gồm ba khổ bốn câu (abab - cdcd - efef) và hai câu kết (gg). Sêcxpia đã viết các bài thơ xônê của mình theo cách phân khổ và gieo vần này, nên nó còn được gọi là thể thơ Xônê Sêcxpia.

Từ ngày ra đời đến nay, xônê đã trải qua nhiều thăng trầm trong sự phát triển và áp dụng thực tế vào sáng tác của nhiều nhà thơ đủ mọi thời đại và dân tộc. Ðã xuất hiện nhiều thay đổi, biến dạng trong kết cấu và hệ thống gieo vần. Thậm chí có nhà thơ còn viết xônê bằng thơ không vần, và từ rất nhiều các quy tắc nghiêm ngặt của xônê cổ điển, chỉ còn giữ lại vẻn vẹn một yếu tố hình thức là mười bốn câu trong một bài. Mặc dù bị gò bó và bị chi phối bởi những ràng buộc về hình thức và bố cục như vậy, qua thực tế sáng tác, xônê vẫn tỏ ra là một thể thơ có sức sống mãnh liệt, và cho đến nay, khi trong thơ và nghệ thuật nói chung đang có xu thế phá vỡ các khuôn mẫu cổ điển cũ để tìm những hình thức diễn đạt mới phù hợp với thời đại, nó vẫn được nhiều nhà thơ khắp nơi trên thế giới yêu thích, nhất là khi cần phải bộc lộ những khía cạnh trữ tình và triết lí trong suy nghĩ của người viết.

Cũng nên nói thêm là các nhà thơ xônê cổ điển còn xây dựng một hình thức thơ mới, gọi là Chùm xônê với những ràng buộc về hình thức còn chặt chẽ hơn, bao gồm mười lăm bài xônê Italia, câu đầu của bài sau phải là câu cuối của bài trước; và xônê cuối cùng, bài kết, gồm mười bốn câu đầu tiên của những bài còn lại theo thứ tự, trong khi xônê thứ mười bốn phải được bắt đầu bằng câu cuối và kết thúc bằng câu đầu của xônê thứ mười lăm! Ðây là một trong những hình thức thơ khó nhất, phức tạp và chặt chẽ nhất trong thơ có luật của châu Âu. Tuy thế, nhiều nhà thơ, kể cả các nhà thơ hiện đại, đã mạnh dạn viết và viết thành công thể thơ này.

2. Bài thơ: TÌNH ÁI CỦA MÙA ĐÔNG
                     (Sonnet – Xônê)

Đêm gió lạnh, sương dăng buốt giá
Tất cả tạo nên cái đặc trưng của mùa đông,
Những kẻ cô đơn càng thấm thía cái lạnh hơn,
Họ khát khao người tình như sưởi ấm phải có lửa.

Gió được tiếp thêm sức mạnh, càng lạnh lẽo về khuya
Nó cuốn lấy sương mà quất vào người đi đường,
Những thân hình run rẩy, bước đi như trốn chạy cái bóng,
Cái lạnh vây quanh, ai cũng muốn thật nhanh về nhà.

Như đôi tình nhân đang hân hoan mở cuộc ái ân
Sương nương theo gió, gieo lạnh khắp thế gian,
Mặt đất như bị đóng băng, giá rét tận hưởng lạc thú.

Qua cơn cuồng nộ, gió lắt lay, sương mỏng như hơi may
Không khí ấm dần, gió, sương tìm chốn ngủ,
Chúng chờ mùa đông mới khi mùa xuân đang đến đâu đây./.

(Hệ thống vần được gieo trong bài: ABBA – ABBA – CCD – EDE.)


Đây là thử nghiệm tôi viết cách nay 6,7 năm gì đó, nay nhân giới thiệu thể thơ thì dùng để minh họa. Có khiếm khuyết hoặc chưa được chuẩn thì mong các bạn lượng thứ và chỉ giáo thêm cho.
30/12/2014.
Tài liệu tham khảo và nguồn của các trích dẫn:

1) http://phebinhvanhoc.com.vn/bai-tho-nhung-con-meo-cua-baudelaire-phan-12/

2)http://www.thivien.net/William-Shakespeare/Sonnet/group-_2_KNqIhiUMk8s_AJgW7Nw

Những người quan tâm và am hiểu văn học thế giới đều biết: Phương Đông - Châu Á có Thơ Đường, còn Phương Tây - Châu Âu có sonnet - Xônê là hai thể thơ nổi tiếng và có sự ảnh hưởng, lan tỏa rộng rãi cũng như hàm chứa nhiều giá trị nghệ thuật và nội dung tư tưởng, nhân văn. Nó đạt tới một giá trị biểu trưng, nghĩa là nhiều khi người ta dùng hai thể thơ này để đại diện, thay thế cho cả hai nền thi ca của hai châu lục. Hay diễn đạt khác đi là, khi nói tới thơ ca của hai châu lục này ở quá khứ cho tới hiện đại, đôi khi người ta chỉ cần đề cập tới Thơ Đường và Sonnet - Xônê là đủ.

Mong nhận được sự góp ý và bổ sung từ những ai quan tâm tới bài viết.


Ảnh
Ảnh
Scrapbook Photos
1 ảnh - Xem album

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét