Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

TỰ TÌNH: Vô Đề 4

NỖI NIỀM VỚI HUẾ VÀ EM - 1! 1999.

VĐ 4.1
Trai thành Vinh vô kinh kỳ ứng thí
Mãn khoa thi ghé thăm chốn quen sơ
Gặp em thiếu nữ đẹp như mơ
Một trưa hai đứa trao nhau hẹn thề.

VĐ 4.2
Buổi rời Huế, cả chiều tôi thơ thẩn
Hết dạo chơi Đại Nội đến Đông Ba
Cầu Trường Tiền tôi lại qua mấy bận
Ngơ ngẩn tìm em giữa muôn tà áo tím.







VĐ 4.3
Gái kinh kỳ đẹp chi đẹp rứa
Tiếng dạ, thưa, ngọt tựa mía lùi
Tôi gặp một bữa đã thương
Hồn vương vấn mãi theo người giai nhân!./.


CHUYÊN MỤC BÀI THƠ NHỎ
24/03/2017. 
(Ảnh ST)

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

TỰ TÌNH: VÔ ĐỀ 3

hò hẹn mãi
chúng mình cũng thành đôi
tuổi hai mươi
tình yêu như nắng mới
chưa âu lo
chưa sợ tình phai nhạt,
chẳng nghĩ suy
toàn tính gì mai sau,
biết có nhau
và thương yêu là đủ
còn bão dông,
đâu ai biết mà lường...!

CHUYÊN MỤC BÀI THƠ NHỎ
18/03/2017.
(ảnh st)

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

CUỘC SỐNG: CHÍNH TRỊ - VÔ ĐỀ 1: THÍ TỐT













hôm nay cộng sản lại diễn trò
bí thư Trọng bảo diệt ai đó
để đảng trường tồn được mãi mãi.
"cai trị người dân khéo lắm thay!".

CHUYÊN MỤC BÀI THƠ NHỎ
18/03/2017.



"Loại bỏ một người để cứu nhiều người"
ảnh (st) minh họa




BẠN QUAN: Thơ Đặng Xuân Xuyến

Bạn cũ lâu ngày gặp lại
Chén rượu quê đưa đẩy tẩy trần
Tao ruột ngựa hỏi câu ngớ ngẩn
Mày làm quan chắc kiếm bộn tiền
Chức ấy rẻ mà sinh lắm lãi
Mày học ngu nhưng thủ đoạn tài
Tao học giỏi nhưng mù thủ đoạn
Mãi long đong chức phó dân quèn
Mày nhăn mặt chửi tao thằng đểu
Quá nửa đời mãi chửa hết ngu...


.
Rượu tới tầm
Mày ghé tai tao
Nói thật nhỏ
Căng tai mới rõ
Làm người khó
Làm quan càng khó
Chốn quan trường chó vịt giống nhau
Mày than đời chỉ rặt những thau
Quan càng lớn chữ nhân càng nhỏ
Ví miệng quan giống trôn trẻ nhỏ
La liếm quen rồi nào biết bẩn nhơ.
.
Tao gật gù giả bộ ngớ ngơ
Khen các quan vì dân vì nước
Nghe nửa câu mắt mày trợn ngược
Chửi tao khùng hệt “lũ dân ngu”
Mày chửi thề đặc giọng quân khu
Đời đã chó
Quan trường càng chó
Rồi nhăn nhó
Than đời mày nhọ
Mấy tháng trời bổng lộc hụt xơi...
.
Rượu mày mời
Tao uống khó trôi
Thịt mày gắp
Tao nhai khó nuốt
Trời nhiều gió
Hay lòng tao nổi gió
Rượu đầy vò
Tao ngất ngưởng vờ say.
*.
Hà Nội, trưa 18 tháng 03.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

Nguồn bài đăng: http://tranmygiong.blogspot.com/2017/03/ban-quan-tho-ang-xuan-xuyen.html

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

TỰ TÌNH: CHUYÊN MỤC BÀI THƠ NHỎ - Vô Đề 1 & 2


VÔ ĐỀ 1

nhỏ ơi ta nhớ thời xưa ấy
ben lẽn mỗi khi gặp giữa đường
má hồng e thẹn, chao thương quá,
lúng liếng mắt đà nói niềm riêng...!

17/03/2017.














                                                      VÔ ĐỀ 2

Tôi thương những chiều nắng phai
hoàng hôn nhuộm tím mắt ai mơ màng
em tôi mười sáu trăng vàng
tình đầu thơm ngát hương say đất trời.

18/03/2017.

(ảnh st)

Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2017

NHÂN VĂN - GIAI PHẨM: NHỮNG NHẦM LẪN CỦA GIỚI NGHIÊN CỨU VỀ MỘT PHONG TRÀO SÁNG TẠO CỦA NHỮNG VĂN NGHỆ SĨ TRƯỚC NĂM 1975 Ở MIỀN BẮC

(...TIẾP THEO Phần 1)

2. BỐI CẢNH XÃ HỘI CỦA PHONG TRÀO NHÂN VĂN - GIAI PHẨM

Khi mà xã hội thông thoáng tư tưởng hơn, và các nguồn tư liệu, kiến thức, các quan điểm xã hội và nhân văn, triết học, tiến bộ ngày càng được phổ biến, truyền bá và du nhập vào Việt Nam. Các văn nghệ sĩ đã có nhiều những cải cách và biến tấu, sáng tọa mới trong văn học nghệ thuật. Đã có những nhóm và những cá nhân, phong trào sáng tác, nghiên cứu, trao đổi học thuật và đề xuất lý luận, triết học. Bối cảnh xã hội đó tạo cho Nhân Văn - Giai Phẩm một thế và điểm tựa để nó hình thành, phát triển trở thành một phong trào có được sự quan tâm của xã hội. Ở khía cạnh sáng tác văn học nghệ thuật thì nó thực sự là một phong trào tiếp sức cho cuộc cách mạng văn chương mà anh em Hoài Thanh - Hoài Chân trong THI NHÂN VIỆT NAM gọi là cuộc cách mạng trong văn học với Thơ Mới là điểm nhấn quan trọng nhất. Bởi, với Thơ Mới, văn học Việt Nam đã căn bản thay đổi hoàn toàn.

Tôi nói Nhân Văn - Giai Phẩm mới chỉ là sự kế tiếp và thừa hưởng những thành tựa hay phát triển tiếp trên nền tảng mà Thơ Mới, cuộc cách mạng đầu thế kỷ 20 đã làm, tạo dựng được. Bởi vì, về thực chất, tất cả những sáng tác của các thành viên nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm ở lĩnh vực văn học chưa thực sự tạo nên những giá trị mới, chưa thực sự có được những quan điểm nghệ thuật mới. Cái họ có và mới lại chính là những thực tế mới ở Miền Bắc Việt Nam khi mà chính quyền cộng sản đã và đang xây dựng chính quyền của nó, được đưa vào, thể hiện trong các sáng tác của họ.

Như vậy, Thơ Mới đưa đến cho văn học Việt Nam những nền tảng mà sau đó, có lẽ đến bây giờ, giới sáng tác vẫn đang đi trên con đường đó, và kế thừa nó. Nhân Văn - Giai Phẩm là sự kế tục, nhưng được giới nghiên cứu và quan điểm của những người làm văn nghệ cộng sản xem là Văn học Cách mạng. Có lẽ cái khái niệm, cách gọi tên thể hiện ý chí của chính quyền cộng sản nhiều hơn là những đóng góp mới của Nhân Văn - Giai Phẩm nói riêng và văn học cách mạng nói chung cho văn học nước nhà. Thực tế, bộ phận văn học cách mạng chỉ là lấy nội dung của cách mạng, của đảng cộng sản làm nội dung chính trong sáng tạo nghệ thuật. Và văn nghệ của đảng cộng sản Việt Nam hiểu một cách chân thực nhất chỉ có vậy.

Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng: Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng hay toàn dân Việt Nam, cho nên nó huy động mọi lực lượng để nắm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống. Văn học nghệ thuật cũng chịu chung số phận, bản chất và cách thức tổ chức, điều hành của Đảng cộng sản Việt Nam dẫn tới sự độc tôn, độc tài trong mọi lĩnh vực. Đảng CSVN lãnh đạo văn học nghệ thuật, bởi vậy, lẽ dĩ nhiên, nó buộc bộ phận này, tức là giới sáng tác phải đi theo sự chỉ đạo, điều hành, hay như chúng ta vẫn thường diễn đạt là theo quan điểm của Đảng CSVN trong lĩnh vực văn học nghệ thuật - cả sáng tác lẫn lý luận, nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản, báo chí, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội (hiện nay) đến các cuộc thảo luận của các cá nhân, hội nhóm... Tất tật phải theo quan điểm của Đảng CSVN.
Nhân Văn - Giai Phẩm

Chính từ cái nguyên tắc Đảng lãnh đạo và không thể đi ngược lại hay có quan điểm, tư tưởng trái, ngược, đối nghịch hoặc mâu thuẫn, thù địch, không đúng, phù hợp với quan điểm của Đảng..., đã dẫn tới việc tất cả các cá nhân tham gia và liên quan tới Nhân Văn - Giai Phẩm bị đánh án. Có thể khẳng định đó là án chính trị trong văn học nghệ thuật. Một án chính trị theo nghĩa: những cán bộ, đảng viên, công - viên chức của Đảng CSVN vi phạm các điều cấm hay quan điểm của Đảng CSVN. Và mức vi phạm là trầm trọng, hoặc được cho là nghiêm trọng, cần phải được chỉnh huấn, cải tạo, để làm thay đổi suy nghĩ, để chấm dứt hẳn phong trào đó và không một ai trong số họ có cơ hội để nghĩ tới chuyện thực hiện tiếp hay đấu tranh tiếp để chống lại. Vì vậy phải xét xử và bắt phải tù đày, cải tạo như ở thời Cách mạng Văn hóa. Sự quyết tâm như vậy của Đảng CSVN còn là để tạo nên một tiền lệ mà những người đi sau khi nhìn thấy, nghe thấy hay bị khép vào tội danh đó đều phải sợ hãi. Người ta tránh xa, chấp nhận tất cả chỉ để không bị quy kết, bị đưa vào diện như những cá nhân trong nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm.

Có vẻ như Đảng CSVN đạt được mục tiêu của mình, với một sự tàn bạo và thâm độc hết mức giành cho những trí thức, văn nghệ sĩ cùng chiến tuyến, người mình như trong vụ Nhân Văn - Giai Phẩm.

Thời điểm Nhân Văn - Giai Phẩm ra đời và phát triển thành một phong trào, là thời điểm mà Hồ Chí Minh, Đảng CSVN đang ra sức phổ biến một lượng lớn sách, tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực của Trung Quốc ở Việt Nam. Nói đó là một cuộc "Hán hóa" ở thời kỳ mới có lẽ cũng không sai. Và lãnh đạo Đảng csvn muốn áp đặt hệ tư tưởng, quan điểm từ các sách, tài liệu của Trung Quốc vào Việt Nam, biến nó trở thành nguồn tư tưởng, văn hóa chủ đạo ở Việt Nam. Gần như tất cả các trí thức ở Miền Bắc lúc đó đều được huy động tham gia vào sự kiện này của Đảng csvn với nhạc trưởng thực sự là Hồ Chí Minh.

Cần thiết phải nhắc lại là, xã hội Việt Nam lúc đó vừa mới thoát ra khỏi những cuộc cải cách trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, hầu hết các trí thức đều hiểu và biết phải tuân phục sự lãnh đạo của Đảng csvn. Nếu có ai đó cho rằng: có sự trung dung hay bất hợp tác với Đảng csvn là điều cần thiết phải gạt bỏ, đó chẳng qua là cái nhìn của những người ngoài cuộc và hậu bối, không thể hiểu hay biết được thực chất sự việc.

Nhân đây, người viết xin đưa một dẫn chứng của chính gia đình người viết để khẳng định điều này. Bên họ ngoại của người viết, tức bên dòng họ Nguyễn Thọ ở Nhân Thành, Yên Thành, Nghệ An, là họ của ông ngoại người viết, là một dòng họ có truyền thống học hành, thi cử và đỗ đạt vào bậc nhất ở đất Nghệ Tĩnh xưa. Dòng họ này tính từ thế kỷ 15, 16 tới thế kỷ 20, gần như ở thế hệ nào cũng có người đỗ cao, hầu hết là Thái Học Sinh - tức là đỗ đầu Tiến sĩ trong một kỳ thi. Đặc biệt, ở giai đoạn sau, thế kỷ 18, 19 còn có người đỗ Thái Úy - là đỗ đầu về quan võ. Trước đây chừng 6, 7 năm, tôi có đăng tải một bức ảnh chụp sơ đồ gia phả dòng họ, và đã có những chuyên gia Hán nôm vào khẳng định gia phả đúng. Ngay cả cán bộ của Sở Văn hóa Nghệ An cũng vào xác định và cho biết: về truyền thống đỗ đạt thì dòng họ Nguyễn Thọ - là họ bên ngoại của tôi - là dòng họ giàu truyền thống đỗ đạt nhất ở Nghệ An, và thực sự ngành văn hóa chưa tìm được một dòng họ nào ở Nghệ Tĩnh có thể sánh với dòng họ này. Về quan tước thì không - chưa có tư liệu để biết - có người làm chức cao, nhưng về đỗ đạt thì số một. Và theo lời kể của Bà Ngoại tôi - Phan Thị Cởn - thì ông ngoại tôi là một nạn nhân của Đảng csvn, ông là người tài giỏi, có uy tín, được Đảng csvn mời ra giúp đảng, làm quan nhưng ông từ chối và vì vậy bị đảng csvn hãm hại. Theo bà ngoại tôi thì khi ông ốm đã bị một cán bộ đảng cs lừa cho uống thuốc độc dẫn đến tử vong. Nguyên do là ông quyết không làm việc, hợp tác với Đảng csvn.

Từ câu chuyện này, tôi chỉ muốn khẳng định rằng: không có bất cứ một sự trung dung hay bất hợp tác, tuân phục nào dưới thời đảng csvn mà được dung thứ.

Dẫn chứng thứ hai là chuyện P.GS Phan Ngọc, theo tôi được biết thì chính P.GS Phan Ngọc là người phải cấp tốc xin lệnh tha, hoãn tử hình cha của mình: cụ Phan Võ từ Hà Nội về Nhân Thành, Yên Thành, Nghệ An để cứu cha đang bị giam chờ ngày xử tử. P.GS Phan Ngọc lúc đó là một cán bộ trong Quân đội. Và sau này thì cụ Phan Võ ra Hà Nội, được sự cho phép của Hồ Chí Minh đã chuyên tâm vào việc xây dựng và phát triển Y học cổ truyền, ông có thể được xem người có đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển ngành Y học cổ truyền ở Việt Nam dưới thời đảng csvn.
P.GS Phan Ngọc

Hai câu chuyện trên là dẫn chứng đủ sức thuyết phục rằng không có bất cứ một sự bất hợp tác, bất tuân hay trung dung, không phục vụ chế độ cộng sản nào mà người trí thức, quan lại cũ của phong kiến được tồn tại. Cộng sản diệt hết tất cả. Tất cả các trí thức, quan lại cũ - phong kiến hay thân pháp - đều chung số phận, họ chỉ có hợp tác, tuân phục hoặc xin được không phục vụ đảng csvn do sức khỏe kém. Còn nữa đều bị buộc phải phục vụ chế độ cs, đi ngược lại đều bị loại bỏ bằng nhiều cách hãm hại, tiêu diệt khác nhau. Chế độ đó không có bất cứ sự khoan dung nào, nhất là với những nhóm: trí, phú, địa, hào, quan hay thân Pháp.

Với cái bối cảnh như vậy thì Nhân Văn - Giai Phẩm hình thành và phát triển được thành một phong trào ngay ở đất Bắc, ở chính trong lòng chế độ và đang bị nhiều người cố tình diễn giải nó là một phong trào tiến bộ theo nghĩa là nó đòi hỏi tự do, dân chủ, tiến bộ, công bằng, nhân văn cũng như tự do tư tưởng, sáng tác, học thuật là điều không thể chấp nhận được. Vừa mới trải qua những biến cố như vậy, hầu hết các nhân vật trong Nhân Văn - Giai Phẩm hiểu hơn ai hết cái bản chất của chế độ. Họ có thể chơi dao hai lưỡi, nhưng đến mức như Nhân Văn - Giai Phẩm và hiểu theo cái nghĩa mà nhiều người muốn lái nó theo như trình bày ở trên và đã nói ở Phần 1 của bài viết này là điều phi lý. Có thể xem những người thuộc phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm là thế hệ thứ 2, phần lớn họ đều hiểu những biến cố đã xảy ra với thế hệ trí thức, nhân kiệt ở thế hệ thứ nhất - 1- khi đảng csvn nắm quyền. Do đó, cái thực chất của phong trào hay nói đúng hơn là của một nhóm các nhân vật tạo nên, tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm khác khá xa so với sự tưởng tượng, và có phần nào là quy chiếu theo suy nghĩ của nhiều người.

Tôi khẳng định có sự cố tình lái dư luận, sự hiểu biết của người ngoài cuộc lẫn thế hệ sau một cách có chủ đích đối với phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm. Họ không né tránh bản án đã xử, cái án của các cá nhân bị xét xử hoặc bị hãm hại, trù dập, nhưng họ thấy cái tất yếu của sự tiến bộ, thấy khao khát của nhân dân, thấy rõ cái sai của Đảng csvn. Do đó, việc lái hay định hướng, chuyển phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm theo xu hướng tiến bộ chung, hướng tới nhân dân, hướng tới sự chống đối đảng csvn là có thật.

Mấy năm trước, trước năm 2010, khoảng 2007, 2008, tôi có nói về việc P.GS Phan Ngọc, một người cùng thời, và cũng dính án chính trị, cũng có 20 năm úp mặt vào tường. Rồi cũng được chiêu tuyết, xoa dịu, cũng được mời ra làm Phó Thủ tướng Chính phủ của chính quyền Cộng sản. Từng được mời làm Phó Chủ tịch, Chủ tịch tỉnh Nghệ An nhưng ông từ chối. Một người như vậy tại sao không có tên, được đề cập tới và không tham gia hay liên quan, thuộc nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm? Và thời đó, mấy trang mạng xã hội, có đôi tờ báo - giờ không nhớ rõ báo nào - và nhất là trang mạng Wikipedia, đã liên tục có những thay đổi, cắt bỏ rồi thêm bớt tên các thành viên tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm, thay đổi nội dung, tính chất và đã bắt đầu hướng nó theo hướng mà nhân dân thực sự mong muốn, giới trí thức tiến bộ ủng hộ, đó là: đối nghịch với Đảng csvn. Họ có khi đưa tên P.GS Phan Ngọc vào danh sách các cá nhân tiêu biểu của phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm, khi thì lại rút ra. Ngày nay, trên trang Wikipedia nội dung tiếng Việt về vụ việc này đã có phần nào trung thực hơn, Và P.GS Phan Ngọc không còn được đưa vào đó nữa.

Như vậy là đã có sự cố tình điều chuyển nhân vật và bản chất vụ việc Nhân Văn - Giai Phẩm để nó trở nên đẹp đẽ, gần gũi với nhân dân, xa rời đảng csvn. Đây là thời điểm mà vụ việc đang được xem xét lại, một vài cá nhân đã được phục hồi danh dự và được phổ biến lại các sáng tác của họ. Đang có một cuộc vận động để tất cả các cá nhân khác cũng được như vậy. Do đó, họ muốn làm cho phong trào này trở thành một vụ án có tính chất toàn dân, không phải là vụ việc riêng, nội bộ của đảng csvn. Tất cả những điều tôi trình bày ở đây đều là sự thật, và cá nhân tôi đến bây giờ vẫn muốn biết, người đứng sau giật dây vụ việc này ở thời điểm 2007, 2008 là ai, đảng csvn chủ trương hay là các thân hữu của những người bị án Nhân Văn - Giai Phẩm? Có thể hiểu được phần nào ý đồ của họ như diễn giải ở trên, nhưng còn có mưu ý gì nữa không thì phải để chính những người đó lên tiếng.

Tôi khái quát qua cái bối cảnh của Nhân Văn - Giai Phẩm, và cũng xin nhấn mạnh rằng, sự hô hào, kêu gọi trí thức ở thời điểm đó là nhằm mục đích thực hiện công cuộc phổ biến kiến thức, tri thức theo quan điểm của đảng csvn, và tài liệu, sách chủ yếu của Trung Quốc. Văn hóa và văn nghệ chỉ là một bộ phận của cách mạng Miền Bắc, của chủ trương xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa ở Miền Bắc, do đó, Nhân Văn - Giai Phẩm không thể là một biến tấu ghê gớm như có người mong muốn được. Nó bị dập tắt và trù dập, kết án vì nguyên do là vi phạm quy tắc, quan điểm của đảng lãnh đạo. Rút cục lại là ở chính cái quan điểm, chủ trương: Dân chủ và mở rộng dân chủ, phổ biến và phát triển nhân văn, tự do ... Phong trào Nhân Văn - Giai Phẩm đã chỉ làm công việc của nó: tuyên truyền cho đảng, vận động quần chúng cho đảng, ngợi ca đảng và cuộc cách mạng vĩ đại trên quê hương Miền Bắc. Nhưng sự quá đà của những người thuộc Nhân Văn - Giai Phẩm đã dẫn tới cái án tồi tệ. Họ không được giải thích, được sửa sai, vì chế độ không muốn có thêm bất cứ một sự lấn vạch nào nữa, phải trảm để răn đe, và ngăn ngừa, triệt tiêu hoàn toàn những người, nhóm có quan điểm, tư tưởng như Nhân Văn - Giai Phẩm.

Một điểm cần chú ý khác, người ta không chú ý tới việc cùng thời điểm với Nhân Văn - Giai Phẩm, đúng ra là trước khi đánh Nhân Văn - Giai Phẩm một khoảng thời gian ngắn, ở trong Quân đội cũng đã có một cuộc chỉnh huấn, thanh trừng. Nhiều cá nhân bị đấu tố, kết án, tước bỏ quyền, chức vụ, vị trí và bị cô lập. Sau khi dập tắt, ổn định tình hình ở trong Quân Đội, với những cá nhân có quan điểm y hệt nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, thì đảng csvn mới tiến hành trừng phạt, đánh, tiêu diệt hay triệt tiêu nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Trình tự của vụ việc là như vậy. Và phía quân đội được đảng csvn lựa chọn xử lý trước, cũng có lý do là vì các nhân vật trong quân đội được một vài thành viên khởi xướng Nhân Văn - Giai Phẩm kêu gọi, đề nghị thực hiện một phong trào tương tự như Nhân Văn - Giai Phẩm trong quân đội, họ muốn lấy quân đội làm điểm tựa, là người tiên phong và đồng hành cùng. Như thể một thế lực để che chắn cho những nhân vật chủ trương Nhân Văn - Giai Phẩm ở ngoài quân đội. Và do đó, đảng csvn đã chỉnh huấn và ổn định trong Quân đội trước, rồi mới xử lý Nhân Văn - Giai Phẩm bên ngoài quân đội sau.

Tất cả các tài liệu hay công trình, những trang web, bài viết đề cập tới Nhân Văn - Giai Phẩm đều không biết hoặc không hề nhắc tới mối liên quan mật thiết giữa sự việc trong quân đội với nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm. Và họ không thấy được rõ bối cảnh thực sự, những quan hệ chồng chéo, những vụ án trước và cùng với Nhân Văn - Giai Phẩm đã được đảng csvn thực hiện. Họ tách rời Nhân Văn - Giai Phẩm và nhiều người có chủ trương đưa sự việc Nhân Văn - Giai Phẩm theo một hướng khác với bản chất của nó đến với công chúng.
Công trình của tác giả Thụy Khuê

Đảng csvn thì sau thời kỳ đó, đã phải quay lại sử dụng nhiều người, tác phẩm của những cá nhân thuộc nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm nên đã có chủ trương giảm nhẹ án, chiêu tuyết và phục hồi địa vị, quyền lợi cho họ. Cái này là do sự tàn bạo nên văn nghệ không thể phát triển, và những người dù bị xử án, trù dập nhưng họ lại đã từng là đảng viên, cán bộ của đảng csvn, tác phẩm của họ trước thời điểm bị kết án ít nhiều ngợi ca, liên quan tới đảng csvn, và đó lại là tác phẩm có giá trị hơn so với thế hệ sau, thế hệ cầm quyền là hậu duệ chủ yếu của bộ phận lãnh đạo cách mạng vô sản, bộ phận thủ tiêu gần như tất cả nguyên khí của đất nước, nên không thể có những sáng tạo nghệ thuật có giá trị, cũng như tư tưởng và triết học không thể có những cá nhân kiệt xuất. Đó là lý do đảng csvn phục hồi cho Nhân Văn - Giai Phẩm, trả lại tên tuổi và quyền lợi cũng như cho phép sử dụng, lưu hành các sáng tác, tư tưởng của nhóm. Dẫu vậy, về cơ bản, Nhân Văn - Giai Phẩm theo quan điểm cá nhân tôi, không có nhiều những đóng góp, điều này sẽ được thể hiện ở phần sau, phần cuối, một phần ngắn gọn nhưng sẽ giải quyết triệt để: Nhân Văn - Giai Phẩm thực chất có những gì và nó bị kết án vì cái gì.

Phần này chỉ gợi lại bối cảnh chính và sự vụ, đặc biệt đưa đến một sự kiện quan trọng là vụ việc Nhân Văn - Giai Phẩm trong quân đội, sự xử lý nó. Điều mà không mấy ai biết cũng như đề cập tới. Chuyện về P.GS Phan Ngọc không thuộc Nhân Văn - Giai Phẩm nhưng có lúc, có khi họ muốn đưa ông vào nhóm này như trên Wikipedia tiếng Việt những năm 2007, 2008 mà tôi đề cập tới ở phần trên.

3. 3.1. "Bẻ cung tên, giết chó săn" phải chăng là bản chất của vụ việc Nhân Văn - Giai Phẩm? 3.2. Giới hạn của tự do, dân chủ, nhân văn trong Đảng csvn lộ rõ từ vụ xử lý Nhân Văn - Giai Phẩm!

(Còn nữa...)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. http://nghiencuuquocte.org/2013/10/03/su-kien-nhan-van-giai-pham/
2.https://vi.wikipedia.org/wiki/Phong_tr%C3%A0o_Nh%C3%A2n_V%C4%83n_-_Giai_Ph%E1%BA%A9m
3. http://www.rfa.org/vietnamese/SpecialTopic/Nhanvangiaipham
4. https://dotchuoinon.com/2011/04/10/v%E1%BB%A5-nhan-van-giai-ph%E1%BA%A9m-t%E1%BB%AB-goc-nhin-c%E1%BB%A7a-d%E1%BA%A1i-ta-cong-an-bai-chu%E1%BA%A9n/
5. http://www.vinadia.org/nhan-van-giai-pham-thuy-khue/
6. http://www.xuanduc.vn/2015/10/lat-lai-vu-nhan-van-giai-pham.html
7. http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n3n2n0n31n343tq83a3q3m3237n1n3n&AspxAutoDetectCookieSupport=1
8. http://thuykhue.free.fr/tk04/nhanvan.html
9. http://www1.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6594.asp
10. https://www.youtube.com/watch?v=c4zat5-E-J4

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

NHÂN VĂN - GIAI PHẨM: NHỮNG NHẦM LẪN CỦA GIỚI NGHIÊN CỨU VỀ MỘT PHONG TRÀO SÁNG TẠO CỦA NHỮNG VĂN NGHỆ SĨ TRƯỚC NĂM 1975 Ở MIỀN BẮC.

1. NGỘ NHẬN CỦA GIỚI TRẺ VÀ NGƯỜI NGOÀI CUỘC

Cũng như những bạn trẻ khác, đã là người học văn và tìm hiểu nhiều về nền văn học nước nhà, ai cũng sẽ bị cuốn hút bởi cái cụm từ: Nhân Văn - Giai Phẩm. Thực tế cho thấy những văn nghệ sĩ cộng sản khi nhắc tới cụm từ này phần lớn đều e dè, một vài người mạnh bạo thì thể hiện sự nối tiếc, xót xa. Nối tiếc vì các văn nghệ sĩ nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm đều là những người đã có những thành tựu nhất định, hơn thế, có những người đang nắm giữ các trọng trách, vị trí, chức vụ quan trọng ở các cơ quan văn hóa, nghệ thuật của cộng sản. Vậy vì cớ gì mà tất cả họ bị đánh án, có người bị đưa ra xét xử, những người nhẹ hơn thì bị cô lập, gây khó khăn trong cuộc sống, buộc thất nghiệp, lưu đày... Tất cả những điều đó tạo cho Nhân Văn - Giai Phẩm một lực hút đối với những người nghiên cứu văn học nghệ thuật, đặc biệt là những người dám đi vào tìm hiểu những vụ việc được xem là án phản động, có tư tưởng chống đối, phản động chống chính quyền cộng sản, không được cộng sản và chính quyền của nó thừa nhận, ngược lại bị lên án, trù dập và cách ly với xã hội, với giới văn nghệ sĩ.

Những vùng tối cùng với phiên tòa xét xử nhóm nhân văn đã dập tắt gần như hoàn toàn mọi ý định khám phá vụ việc này. Có lần, ở một quán nét gần khu vực trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, tôi có hỏi một cô sinh viên ngành xã hội& nhân văn về nhóm này, cô ấy cho biết: theo thầy cô và những người lớn thì Nhân Văn - Giai Phẩm là những người phản động và bị kết án phản động, và vì vậy họ không quan tâm. Bạn nữ sinh viên còn nói thêm: tôi có thể tìm kiếm thông tin trên mạng và vào trang Wikipedia để tìm hiểu về Nhân Văn - Giai Phẩm, thông tin khá đầy đủ. Tôi hỏi thêm: cá nhân bạn nghĩ thế nào về Nhân Văn - Giai Phẩm. Bạn sinh viên trả lời: trong xã hội này thì đã là án chính trị và xét xử rồi thì không còn phải bàn cãi gì nữa, và không đáng để quan tâm. Bạn ấy thắc mắc vì tôi tìm hiểu vụ việc này, bạn bảo thầy cô và những người trong lĩnh vực này mà bạn quen biết khuyến cáo bạn nên tránh xa. "Nhưng dù thế nào thì những người trọng vụ việc Nhân Văn - Giai Phẩm cũng là đáng quý, vì họ dám thể hiện mình, dám chống lại những sự bó buộc, rào cản của chế độ".

Tôi vờ hồn nhiên hỏi: bạn không thấy thầy cô và những người khác khuyên nên tránh xa Nhân Văn - Giai Phẩm, và không nên đi vào vết xe đổ của họ à. Một loạt những tiếng lao xao, nhiều bạn nữ khác lên tiếng ủng hộ cô bạn ngồi bên tôi, đang bị tôi tranh thủ phỏng vấn! Tất cả các bạn trẻ cho biết họ đều muốn như Nhân Văn - Giai Phẩm, được như Nhân Văn - Giai Phẩm, và mong có những người như vậy ở hiện tại. Sự việc và cuộc trao đổi, test xã hội với các bạn sinh viên trong quán Nét diễn ra vào khoảng năm 2006, 2007. một không khí có vẻ như cởi mở hơn cả bây giờ, chúng tôi trao đổi khá thoải mái, và các bạn sinh viên cũng mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình rất chân thực, thẳng thắn và cũng rất thoáng. Thể hiện một khát khao đổi mới, phá rào, đột phá, thèm một sự tự do thực sự.

Cũng chính nhờ những cuộc trao đổi như vậy mà tôi biết đến Wikipedia, đến những trang mạng có đăng tải nội dung về Nhân Văn - Giai Phẩm và nhiều những vụ việc khác.

Bỏ qua những tìm hiểu xã hội, tạm thời rời mạng ảo và các lời khuyến cáo của các giảng viên, các lão thành trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi lặng lẽ kiếm tìm những nguồn tư liệu khác: những chứng nhân lịch sử của vụ việc, những người tham gia, đi cùng và nắm chắc các diễn biến của vụ việc. Công việc thầm lặng, những nhiều niềm vui, vui nhất là khi các bạn nữ sinh viên ngỏ ý muốn tôi - một người xa lạ, quen tình cờ trong quán nét, nhưng đã tìm hiểu Nhân Văn - Giai Phẩm thì chắc không phải là người ngoài giới văn học nghệ thuật, do đó các bạn mong tôi cũng như những người đã học hành xong cái bậc đại học, hãy dấn thân và đấu tranh cho họ. Vâng niềm vui nhỏ khi nghĩ, có lúc nào đó mình được chia sẻ những tìm hiểu, những suy nghĩ và nhất là cung cấp những sự thật về vụ việc vốn bị dấu kín, không được công bố và ít ai biết tới.

May mắn là khi tôi tiếp cận vấn đề, tìm hiểu nó và đề nghị những người tôi có quen cũng cấp thông tin, sự kiện và diễn biến vụ việc Nhân Văn - Giai Phẩm cũng là khi mà bầu không khí xã hội ở Việt Nam đã cởi mở và thông thoáng hơn nhiều. Tất nhiên, hàng loạt vấn đề tồn nghi vẫn cần được lý giải, khai phá và đa ra công luận. Đó là một thuận lợi lớn, và thuận lợi hơn là những người tôi tìm đến đều không ngại ngần khi đề cập tới nó như những người khác.

Trở lại  với cái đề mục: ngộ nhận của giới trẻ và những người ngoài cuộc - vâng, đã có một vụ án, một phiên tòa xét xử, rất bất công, và đó là một vụ án theo kiểu cách mạng văn hóa mới, kiểu hậu cách mạng văn hóa. Và do đó, Nhân Văn - Giai Phẩm nhận được nhiều sự thương cảm, nhất là giới trí thức, các văn nghệ sĩ tỏng và ngoài nước, nhưng không mấy ai biết tới cái thực chất, bản chất của vụ việc Nhân Văn - Giai Phẩm, không mấy tư liệu, công trình, chương trình báo chí hay cả những cuốn sách chuyên về Nhân Văn - Giai Phẩm cũng chưa cung cấp những thông tin cơ bản, quan trọng nhất về vụ việc. Do đó, tôi dùng chư Ngộ Nhận. Vì tất thảy chỉ thấy yêu, thương, đồng cảm, lên án phiên tòa, đấu tranh với bất công và áp bức, đày đọa mà các văn nghệ sĩ, trí thức phải chịu khi tham gia và thực hiện Nhân Văn - Giai Phẩm. Không ai biết rằng, về bản chất, vụ Nhân Văn - Giai Phẩm không góp phần nhiều cho những tiến bộ của trí thức, của sáng tạo văn học nghệ thuật, của tự do dân chủ và nhân văn, của công bằng và bác ái.

Người ta thấy Nhân Văn - Giai Phẩm dám đi ngược hay chống đảng cộng sản như bản án mà đảng cộng sản đã tuyên trong phiên xét xử nên thầm ngợi ca họ, mà không biết được rằng, về bản chất, đó là một sự chống đối, hay tranh chấp quyền lực nội bộ chính quyền cộng sản, nó không thực sự góp phần thúc đẩy cho tiến bộ của dân tộc. Đó là những điều dẫn tới việc tôi đặt cái đề mục như trên. Giải thích nó cũng chính là đã phần nào làm sáng rõ đôi nét về bản chất của vụ việc. Tôi sẽ lần lượt cung cấp các dẫn chứng và tư liệu để khẳng định những kết luận nói trên về Nhân Văn - Giai Phẩm trong phần sau của bài viết này.

Khi tôi viết những điều như trên, có ai đọc đến và tự hỏi: liệu tôi có đang tạo dựng lịch sử của vụ việc không? Hình như vụ việc đang được diễn giải không như người ta nói, vẫn tưởng về nó. Vâng, tôi muốn đặt một dấu chấm hết cho vụ việc, làm sáng tỏ nó ở những vấn đề bản chất nhất. Có như vậy, những hoài nghi, nhưng vùng tối và đặc biệt, sự kỳ vọng mà các bạn trẻ đặt vào tôi mới được đáp ứng. Tôi cũng hy vọng, khi sự thật được phơi bày, nó giản dị, ngắn gọn, nhưng là sự thật và mong rằng nó được chấp nhận, sẽ không có những cá nhân, tổ chức cố tình xuyên tạc sự thật sau khi tôi công bố bài viết này một cách đầy đủ. Trước đã có sự việc như vậy nên nay tôi nhân tiện nói luôn và để mọi người, những ai quan tâm hiểu là nó cũng không đơn giản, có những cá nhân, tổ chức sẵn sàng dùng trang web, báo chí khi cần để làm cho vụ việc trở nên mờ mịt, phủ nhận những sự thật. Và cái trọng tâm, cái thực chất là muốn Chiêu tuyết, muốn làm cho Nhân Văn - Giai Phẩm trở nên đẹp đẽ và đáng yêu, đáng kính.

Vài nét sơ lược nhưng cũng đủ để hiểu vì sao giới bất đồng chính kiến, nhiều nhà văn, nhà báo hải ngoại đã viết về Nhân Văn - Giai Phẩm, họ thấy có sự tương đồng, nhưng bản chất khác nhau nhiều, có một số giống, khi đó là những cán bộ cộng sản trốn ra nước ngoài. Còn về cơ bản, khi biết thực chất vụ việc, thì người ta hiểu, Nhân Văn - Giai Phẩm không liên quan gì tới giới trí thức, văn nghệ sĩ nước ngoài ở cái khía cạnh là đổi mới, là đấu tranh cho tự do, dân chủ và tiến bộ. Ở đây tạm nhìn cái khía cạnh tốt đẹp của giới văn nghệ sĩ hải ngoại khi họ thành lập các trang web và thực hiện các bài viết về những vụ việc nổi cộm trong nước.

Và, khi đã nhắc tới bộ phận hải ngoại, tôi không thể không nói ngay là cũng có những nhầm lẫn, ngộ nhận của bộ phận văn nghệ sĩ hải ngoại về Nhân Văn - Giai Phẩm như giới trẻ và người ngoài cuộc trong nước mà tôi đã trình bày ở trên. Tôi nhớ, đã trao đổi với một vài phóng viên của BBC, có nói họ nên làm lại Nhân Văn - Giai Phẩm, viết theo cái hướng tôi đã nói ở trên, tư liệu thì phải tự tìm vì lúc đó tôi đnag ở trong nước, khó khăn trong việc hỗ trợ họ, tôi lúc đó chưa ra khỏi đảng. Và thực tế, chương trình của BBC về Nhân Văn - Giai Phẩm đã chân thực hơn, gần hơn với những gì tôi sẽ chia sẻ ở đây.

Bài viết này không phải là làm lại những gì người ta đã làm, có nhắc tới những điều đã biết cho hệ thống, nhưng sẽ cung cấp đầy đủ và chân thực về vụ việc.

2. BỐI CẢNH XÃ HỘI CỦA PHONG TRÀO NHÂN VĂN - GIAI PHẨM
(CÒN NỮA)

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

CHẲNG CẦN GIAI NHÂN...!

nơi phố hoa đêm nào vui quá
em với tôi hai người xa lạ
gặp tình cờ trong một quán bar
nhạc và rượu khiến ta cùng say...

ánh mắt nụ cười trao nhau trìu mến
và tôi đã đến bên em để làm quen
cô gái đẹp nhất của đêm, người làm tôi xao xuyến,
phố đêm náo nhiệt
biết em sẽ về đâu
đôi chân tôi bước theo sau và lên tiếng:
này cô bé, hãy cho tôi được làm quen!
hãy cho tôi được cùng em chụp chung bức ảnh,
mắt em trao tôi quyến luyến
giả lơ đảng em hỏi người bạn đi cùng:
anh ta người nước nào?
sao lại cứ đi theo và đòi chụp chung bức ảnh?
Tôi trả lời như đã soạn sẵn:
tôi thấy em đẹp và quá ấn tượng
tôi muốn được làm quen,
muốn được chụp chung một bức ảnh với em!

chẳng nói chẳng rằng, em quay bước
rồi đi vào một quán bar nhộn nhịp
tôi thẫn thờ quay bước
đầu hàng cô bé dễ thương,
tôi không thể uống thêm
và không muốn cuộc làm quen thành một cơ duyên
để đêm đó có thể theo em về
và ai biết chuyện gì sẽ xảy ra
khi cả hai đều chếch choáng men rượu.
tôi sợ đêm đen và ham muốn
sẽ nhấn chìm em, tôi trong hoan lạc yêu thương.

tôi kiếm tìm một hình ảnh cũ
nhưng lo sợ những trắc trở tương lai.
tôi sợ tiến ái tình thoáng chốc
vì khi không thể làm chủ bản thân
tôi lại để cho em vương sầu khổ.
tôi cố quên, cố chạy trốn ái tình
khi tim tôi không thể nguôi yên những tình yêu cũ!
chẳng thể rũ bỏ, chẳn thể thứ tha
nếu tôi lỡ sa vào những cuộc vui mới.
tình ái ơi, tôi nợ người một đời dẫu không gian dối
không phải đã đủ đầy
nhưng với tôi như vậy đã là diễm phúc
và em của đêm nay
người đẹp nhất,
tôi cảm ơn vì đã được nhìn thấy và chiêm ngưỡng
đã được em trao cho cơ hội tuyệt vời.
nhưng nỗi nhớ và tình yêu của một thời
xưa cũ
đủ để tôi chấp nhận khước từ!
đêm của nỗi cô đơn,
dẫu tôi bước giữa muôn người.

sau đêm vui em có hờn trách?
tôi chỉ là thi khách thích giai nhân
trong cơn say quên lời thề chung thủy
với những thân phận đàn bà đã hết lòng thương tôi!

rồi cuộc vui sẽ qua
khách qua đường và em sẽ tìm ra
những người đàn ông xứng đáng
hãy bỏ qua cho kẻ phong trần
cố hương vương vấn chẳng cần giai nhân!./.

kÝ SỰ ĐÊM TRÊN PHỐ KAO SẢN.
Bangkok 05/09/2016, Nonthaburi, 11/03/2017.

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

NHỚ MẸ

Quét sao hết được lá vàng
Tàn cây ngọn cỏ khẽ khàng gọi thu,
Hè qua có nhắn nhủ gì?
Bước chân nghe nặng, phân ly thật buồn
Trách sao lòng mãi cứ thương
Để vương nỗi khổ, dặm trường tôi đi
Cuộc đời rồi cũng có khi
Sinh, ly, tử, biệt,... buồn chi hỡi người?
Cũng đành cứ lặng lẽ thôi
Môi khô mím chặt, dạ thì ngỗn ngang
Trời trưa nắng đổ chang chang
Mà tim buốt giá đóng băng giữa hè
Đôi mắt đỏ quạch, cay xè...
Tha phương rồi có ngày về nữa không?
Mẹ tôi sẽ mỏi mòn trông
Đứa con bất hiếu sao không thấy về!
Tháng ngày dài mãi cơn mê,
Cực thân con phải xa quê, bỏ nhà!
Con đi nào có đâu xa
Chỉ bởi cách trở, phong ba của đời
Thương con, lệ mẹ có rơi
Hay oán trách đứa mải chơi xứ người?
Tuổi mẹ nay đã bảy mươi
Mà tâm mẹ chẳng vui tươi bao giờ,
Mẹ ơi đừng nghĩ vẩn vơ
An vui mà bỏ cho con lỗi này
Thế sự rồi sẽ đổi thay
Để con với mẹ có ngày đoàn viên!
Nén thương đau, nén tủi sầu
Con nơi xứ lạ nguyện cầu từng đêm:
"Mẹ ơi hãy sống vui lên
Đời con còn mỗi mẹ hiền nữa thôi!"


Bangkok, 23g16’, 27/7/2016, (11/08/2016).

Ngô Xuân Phúc.