Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN TRONG VĂN HỌC PHỤC HƯNG PHƯƠNG TÂY VÀ CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM (GIAI ĐOẠN NỬA SAU TK XVIII – HẾT XIX): NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG



Văn Học So Sánh:
I.        Dẫn nhập.
Văn học lịch sử so sánh là một bộ môn của ngành nghiên cứu văn học, đối tượng nghiên cứu của nó là lấy văn học của các quốc gia, khu vực so sánh với nhau nhằm tìm ra những liên hệ, tác động, ảnh hưởng hoặc những tương đồng văn học xét về mặt loại hình. Về đối tượng so sánh thì có thể so sánh ở cấp độ khuynh hướng tư tưởng, tác giả, tác phẩm cụ thể.
Trong bài viết này, khi đặt vấn đề tìm kiếm những điểm tương đồng giữa chủ nghĩa nhân văn trong văn học Phục Hưng phương Tây và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam (giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết XIX) có nghĩa là chúng ta so sánh văn học ở cấp độ khuynh hướng tư tưởng. Và vì chỉ để phát hiện điểm tương đồng, gặp gỡ giữa hai khuynh hướng văn học này, bài viết sẽ không đề cập tới những sự khác biệt vốn có trong hai khuynh hướng văn học.
II.        Cơ sở và phương pháp.
1.         Cơ sở để tiến hành so sánh
Một vấn đề đặt ra cho người viết khi tiến hành so sánh hai khuynh hướng văn học nêu trên là dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nào. Ở đây, chúng ta phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản:
① Hai khuynh hướng văn học này có thuộc cùng một loại hình văn học hay không?
② Nội dung của hai khuynh hướng này (tức khai niệm nhân văn và nhân đạo) có cùng phạm trù hay không?
1.1.         Sự đồng nhất về mặt loại hình văn học  
Trước khi đi vào việc chứng minh hai khuynh hướng văn học nêu trên là cùng một loại hình văn học ta cần phải đặt hai khuynh hướng này vào thời đại sản sinh ra nó.
Trước hết, thời Trung đại Phương Tây kết thúc vào thế kỷ XVII, Chủ nghĩa nhân văn ra đời ở thế kỷ XIV và kết thúc ở thế kỷ XVII nên nó thuộc vào loại hình văn học Trung đại.
Còn thời Trung đại Việt Nam kết thúc vào cuối thế kỷ XIX, vì vậy văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX thuộc vào loại hình văn học Trung đại.
Như vậy, xét về mặt loại hình hai khuynh hướng văn học chúng ta so sánh đều cùng thuộc loại hình văn học trung đại cho nên chúng có những điểm tương đồng nhất định. Bên cạnh đó, từ những điểm chỉ ra ở trên ta thấy rằng: hai khuynh hướng này đều nằm vào những giai đoạn cuối của hai nền văn học, cho nên chúng sẽ có chung một số tính chất như: kết thúc một loại hình văn học, tạo ra những tiền đề cần thiết về mặt thi pháp cho sự ra đời của một loại hình văn học tiếp sau nó.
Tất nhiên, ở đây chúng ta cũng cần lý giải cơ sở của việc khẳng định sự đồng nhất về thời đại – dẫn đến sự đồng nhất về loại hình văn học đã nêu ở trên – của hai khuynh hướng văn học này. Và xét về mốc thời điểm lịch sử nó lại không có sự trùng khớp nhau. Cơ sở lý thuyết để giải quyết vấn đề này là hai nguyên lý: thuyết nhất nguyên luận lịch sử và sự phát triển không đồng đều của lịch sử. Ngoài cơ sở lý luận đó, xét về mặt thực tiễn ta nhận thấy: dù là phương Đông hay phương Tây, quốc gia này hay quốc gia khác nhưng cứ hễ tìm sâu vào bản sắc văn hóa vốn dĩ mang tính độc đáo cá biệt của nó ta sẽ tìm thấy giá trị quốc tế rộng rãi trong đó. 
1.2.         Khái niệm nhân văn và nhân đạo
Đây là hai khái niệm xét về nguồn gốc là một. Tuy nhiên, khi sử dụng thì nội hàm của hai khái niệm có những chỗ không trùng khít nhau. Khái niệm nhân văn thường được hiểu thiên về văn hóa – nó rộng, còn nhân đạo thì thường thiên về chính trị và đạo đức – hẹp hơn. Nhưng cái làm nên cốt lõi của hai khái niệm này là khẳng đinh những giá trị nhân bản của con người.
2.        Phương pháp
Phương pháp cơ bản của bài viết này là so sánh – so sánh khuynh hướng văn học. Tuy nhiên, khuynh hướng văn học là cái được khái quát, biểu hiện từ các hiện tượng trong đời sống văn học, nó bao hàm trong đó tư tưởng của tác giả và tác phẩm. Nhưng để so sánh các tác giả, tác phẩm với nhau, thì ta phải tiến hành phân tích tác giả, tác phẩm. Mặt khác, cũng cần phải thống kê, phân loại nhằm tìm ra các hiện tượng tương đồng. Vì vậy, ở đây ngoài việc sử dụng phương pháp so sánh khuynh hướng văn học ra còn sử dụng kết hợp phương pháp so sánh tác giả, tác phẩm và phương pháp thống kê, phân loại.
III.         Những biểu hiện tương đồng
1.        Trên cấp độ khuynh hướng tư tưởng của hai khuynh hướng văn học: chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo đều đề cập tới những nội dung tư tưởng cơ bản sau:
-        Khám phá ra con người và khẳng định những giá trị chân chính của con người. Con người được đề cập tới ở đây với tất cả sự phong phú của nó trở thành đối tượng chủ yếu, tập trung trong nhận thức văn học, và điều đó đem lại sự đổi mới cho văn học từ nhiều mặt. Và cũng xuất phát từ sự khám phá ra con người, khẳng định những giá trị chân chính của con người mà VHPH phương Tây – văn học Việt Nam (giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX) đã phát triển chủ yếu trên hai bình diện bổ sung cho nhau:
① Phê phán những thế lực phong kiến chà đạp con người.
     ② Đề cao con người, đề cao cuộc sống trần tục.
2.        Những khía cạnh cơ bản của nội dung tư tưởng:
2.1.         Giải phóng tình cảm là vấn đề trung tâm: Mà ở đây là đấu tranh để được tự do yêu đương, thái độ của nhà văn đối với vấn đề tình yêu là khẳng định. Tuy nhiên, giải phóng tình cảm không chỉ gắn với tình yêu mà còn gắn với sự xuất hiện của hình ảnh người phụ nữ trong văn học. Đề cao phụ nữ có tài đức, nghị lực với thái độ cảm thông bênh vực.
2.2.         Phong cách cá nhân cũng được thể hiện rõ nét: Nhà văn không nhân danh con người nói chung mà luôn nhân danh một cá nhân, một cá thể. Họ luôn ý thức phát triển bản sắc cá nhân, sẵn sàng đối lập nó với cái xã hội mục nát, thối rữa.
2.3.         Tố cáo mạnh mẽ, lên án gay gắt: Cái nền tảng luân lý, đạo đức của xã hội trung cổ đè nén tình cảm, cá tính con người. Tỏ thái độ khinh miệt, ghê tởm cả cái thể chế đó.
3.        Những nét tương đồng biểu hiện ở các tác giả, tác phẩm.
3.1.         Tác giả: Ở đây chúng tôi sắp xếp các tác giả tiêu biểu (và các tác phẩm tương ứng của họ) có cùng khuynh hướng vào cùng một dòng:
-        Dòng tư tưởng đề cao, tin tưởng những phẩm chất tốt đẹp của con người, đấu tranh cho những nhu cầu chân chính của con người (về tinh thần và xác thịt): Nguyễn Du là tiếng nói về thân phận người phụ nữ, tố cáo xã hội phong kiến với những định kiến trói buộc người phụ nữ, đày đọa họ. Những người phụ nữ trong tác phẩm được tác giả xây dựng là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Trong dòng này, về phía văn học phương Tây có: Đan tê là sự đề cao tình yêu trong sáng, thánh thiện. Sêcxpia khẳng định sức mạnh của tình yêu, sức mạnh đó có thể thắng cả lễ giáo phong kiến, tư tưởng giáo hội, sự phân biệt chủng tộc ... Xécvăngtéc thể hiện rõ sự ủng hộ của mình về vấn đề tình yêu tự do, đó là quyền được tự quyết định đối với hạnh phúc cá nhân của bản thân mình.
-        Dòng tư tưởng đề cao vẻ đẹp tự nhiên của thân thể, đấu tranh cho những đòi hỏi tự nhiên ở con người, thể hiện một niềm khao khát nhục dục mạnh mẽ: Hồ Xuân Hương là khát vọng được sống, được yêu một cách tự do, được đáp ứng những đòi hỏi, những ham muốn thể xác, đề cao vẻ đẹp thân thể tự nhiên, thể hiện bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Ở phương Tây tiêu biểu cho dòng này là Morot. Thơ ông hướng đến tìm kiếm vẻ đẹp trên thân thể người phụ nữ. Bên cạnh đó còn có Rabelais. Ông đề cao những đòi hỏi tự nhiên của con người. Ngoài ra còn có Labe, được những người đương thời xem là một hiện tượng lạ lùng. Bà đề cao nhục tính một cách mạnh mẽ, khước từ làm “người đàn bà – đồ vật”, thơ bà thể hiện sự giằng xé giữa khoái lạc và cảm thức thiếu thốn. Bà thú nhận sức mạnh toàn năng của tình yêu.
-        Dòng thể hiện tư tưởng hưởng thụ, ngông cuồng, thể hiện sự bất mãn với xã hội, tư tưởng cá nhân phóng khoáng, thách thức cả thời đại: Nguyễn Công Trứ là một đại diện tiêu biểu của Việt Nam, ông luôn làm theo sở thích của mình, tự tin ở tài năng của bản thân, ghét cảnh nghèo hèn, sẵn sàng thách thức cả xã hội. tiêu biểu nhất cho phương Tây ở dòng này là cảm tính Barôque (ra đời ở nước Pháp), nó mời gọi sự hưởng lạc cá nhân, đề xuất một kiểu sống vội, yêu cuồng.
3.2.         Tác phẩm:
3.2.1.        Văn học Việt Nam:
         Thơ Nôm Hồ Xuân Hương
Thơ, phú Nguyễn Công Trứ
Thơ, phú Cao Bá Quát
Truyện Kiều – Nguyễn Du
3.2.2.        Văn học phương Tây:
Thần khúc – Đantê
Păngtagrien – Rabơlais
Thơ Blason – Morot
Rômêo và Juliét, Ôtenlô, Hămlet – Sêcxpia.
Đôkihôtê – Xecvăngtec.
(Các tác giả và tác phẩm được lấy làm đối tượng để so sánh là những tác giả, tác phẩm tiêu biểu cho hai khuynh hướng văn học).
IV.         Kết luận
Từ những điểm tương đồng chỉ ra ở trên ta nhận thấy: dù ở cấp độ này hay cấp độ khác, thì cả văn học Việt Nam (giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết XIX) và văn học phục hưng phương Tây, đã đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật. Chính từ hai khuynh hướng sáng tác này mà văn học Việt Nam và phương Tây thời trung đại ở giai đoạn kết thúc của nó đã đạt đến đỉnh cao, khép lại một loại hình văn học và đồng thời nó cũng tạo được những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của hai loại hình văn học tiếp sau nó. Cũng từ những điểm tương đồng ta có thể khẳng định văn học trung đại Việt Nam đã góp một phần quan trọng trong việc xây dựng nên một nền văn học thế giới giàu tính nhân văn – nhân bản. Và giá trị nhân đạo là màu sắc riêng biệt của văn học trung đại Việt Nam trong vườn hoa văn học thế giới.
                                                                                                   Ngô Xuân Phúc
                                                                                                   Vinh, 10 – 2002

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét