Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

GỬI MẸ ĐÔI LỜI

Viết từ Bangkok, Krung Thep Mahanakhon, Thailand.
Chiều  Băng – cốc đổ mưa
Tôi đi trong giá lạnh
Chốn quê người chợt nhớ
Những chiều mưa ngày xưa.
Nắng chiều mưa rất nhạt
Bụi vàng theo giọt nước
Giăng tơ giữa khung trời
Vẽ nỗi nhớ chơi vơi.
Quê nhà ơi thương quá
Mẹ ta giờ yếu rồi
Mỗi chiều mưa có nhớ
Có mỏi mòn đợi trông.
Rồi mẹ có than trời
Gây chi cảnh chia phôi
Để mẹ, con đôi nơi
Mà không nói nên lời!
Mẹ ơi nắng quê người
Không bằng nỗi nhớ mẹ
Đốt thiêu con mỗi ngày,
Mưa nơi này cũng vậy
Chẳng gây nên nỗi buồn
Bằng phải biệt quê hương.
Tuổi mẹ rồi nhiều thêm
Mà đau khổ chất đầy
Chao ôi, sao nghịch cảnh
Đảng bắt ta đọa đày.
Thôi thì xin từ nay
Mẹ được sống yên vui
Chẳng còn lo, còn nghĩ
Cho con mẹ nữa rồi.
Phương xa con ngậm ngùi
Biết mẹ nuốt sầu tủi
Gượng cười vui đấy thôi,
Tâm can héo úa rồi!
Dứt ruột đẻ con ra
Và bao ngày nuôi nấng
Không bao giờ mẹ giận
Như đảng căm hận con?
Mẹ nào có trông mong
Con trai mẹ báo hiếu
Chỉ muốn con sống tốt,
Không bị đảng hại thôi.
Con biết đường con đi
Chẳng đưa lại điều gì
Vui vẻ cho mẹ cả
Mà mẹ chỉ thêm lo!
Nhưng còn đó bao người,
Còn cả nước lầm than
Còn bao cảnh cơ hàn
Dân Việt còn nô lệ
Thì con sẽ không thể
Quy hàng đảng mẹ ơi!
Chúng hiểu rồi cuộc đời
Sẽ thay đổi mẹ ơi
Bởi những người như con
Quyết đổi thay xã hội
Cho nó tốt đẹp hơn
Như mẹ hằng mong đợi
Nhất định con sẽ về
Đem theo niềm vui mới
Cho đất nước, giống nòi
Cho mọi nẻo an vui.
Con cúi đầu nhận lỗi
Với mẹ già kính yêu
Có bao điều muốn nói
Xin giành ngày đoàn viên.
Mong mẹ hãy bình yên
Còn bao người rất trẻ
Chung chí hướng với con
Sẽ góp sức nhỏ bé
Xây dựng lại nước nhà!
Thư con từ phương xa…!./.
23/07/16 – 24/0/72016.
Ngô Xuân Phúc.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

TÌNH EM VÀ LẼ SỐNG CỦA ANH

Em thương chi
Gã trai nghèo
Thân gầy xơ xác
Cuộc đời gieo neo
Lạc nẻo sông hồ.
Em thương chi
Khi nắng khi mưa
Có khi nào anh đưa đón
Những lúc em một mình đường chiều, đường trưa.
Em thương chi
Thân anh đất khách dặm trường
Vấn vương chữ nợ, nặng lòng chữ nước
Biển trời bốn phương anh bước
Biết ngày nao về lại quê hương.
Em thương chi
Khi anh đi biền biệt
Nẻo sơn khê độc bước vì tương lai
Rồi một mai
Biết còn ai nhớ anh
Rồi một mai ai cùng kẻ độc hành
Gây dựng nghiệp
Giải cứu dân Việt Nam.
Em thương chi
Khi người ta vẫn bảo
Anh là kẻ
Phản bội đất nước mình
Lũ cầm quyền
Tuyệt nhiên không nhượng bộ
Quyết diệt anh, quyết bắt anh khuất phục.
Thương chi nhiều
Người em yêu chẳng thể
Sống an vui, vun vén cho gia đình
Thương làm gì
Khi điều người ta bảo
Về việc anh làm
Là chống lại đất nước em ơi.
Rồi sẽ tới
Một ngày trọn niềm vui
Chẳng có vinh hoa nào
Cho kẻ đã đấu tranh
Anh lại bước, âm thầm và lặng lẽ
Vào khoảng tối giành riêng cho mình anh.
Hạnh phúc, tự do, no ấm đủ đầy
Cho muôn người có công anh góp sức?
Nếu có thì vinh quang anh xin giành tặng
Cho những ai đã chẳng tiếc máu xương
Thời tuổi trẻ và cuộc sống đủ đầy
Để lao vào cuộc tranh đấu hôm nay.
Cuộc chiến cho hạnh phúc phải về tay nhân dân
Cho muôn người hết chịu cảnh tôi đòi, nô lệ
Cho cộng sản hiểu, dẫu muôn vàn thử thách
Gông cùm, áp bức, súng đạn cũng chẳng bảo vệ được chế độ bất nhân!
Em thương chi
Con người anh ích kỷ
Lo cho mình với những toan tính tương lai
Người dân Việt ai cũng như ai
Được hưởng mọi quyền không phân biệt đảng phái.
Cộng sản việt nam hãy giác ngộ lời ta nói
Chỉ còn mỗi con đường trao trả quyền lực cho nhân dân
Đừng gây thêm những tội lỗi bạo tàn
Chẳng ai có linh hồn mà gian ác như các ngươi đâu!
Cộng sản việt nam hãy cúi đầu
Nhận lấy tội đã mấy mươi năm cai trị
Người dân Việt hết sức dã man
Làm lụn bại đất nước
Làm tiêu tan dân tộc
Không cho một ai có quyền tự do
Không cho một ai được mưu cầu hạnh phúc
Thủ tiêu những con người một mực
Muốn đưa đất nước vươn lên thoát khỏi tối tăm!
Dân Việt ơi, hãy một dạ nghe theo
Lời tha thiết của tôi nhắn gửi
Hãy đồng lòng vì cuộc sống, vì tương lai
Buộc đảng cộng sản việt nam bạo tàn phải từ bỏ độc tôn
Không duy trì đặc quyền đặc lợi
Không bắt ép người dân phải phục tùng lệnh đảng
Không điều hành đất nước để dân thêm lầm than
Không nhân danh dân Việt để mưu cầu lợi ích cho riêng đảng.
Hãy cùng tôi, quyết xông pha cùng bè bạn
Khó khăn trở ngại lại càng bền gan
Chí ta quyết, vững vàng không lay chuyển
Một trận này để lấy lại quyền cho nhân dân.
Cộng sản ơi
Máu có đổ muôn lần
Dân có thêm người tù đày vì tranh đấu
Bao người bị thủ tiêu, bị đánh đập, khổ nghèo
Nhưng nhất định chúng ta sẽ giành chiến thắng
Cuộc cách mạng rồi sẽ thành công
Đảng cộng sản việt nam sẽ mãi mãi chẳng thể đeo gông
Cho người dân Việt trên đất nước này
Chúng ta quyết buộc đảng cộng sản phải quỳ lạy
Để nhân dân tha cho tội lỗi của các ngươi!./.

23g43’, ngày 15/7/2016.
Viết từ Bangkok, Krung Thep, Mahanakhon.

Ngô Xuân Phúc

Luận Văn Thời Và Vận, Thế Nước

Đâu Cần Những Vần Thơ Sầu Não - 
Luận Văn Thời Và Vận, Thế Nước.

“Bạc đầu dò thử nước nông sâu
Biết đâu, đâu biết lành hay dữ,
Người khôn kín tiếng, kiệm lời
Để cho người dại khóc cười thế gian.”

Đâu cần những vần thơ sầu não
Để thương vay khóc mướn qua ngày
Đâu cần lời yêu như mật ngọt
Nếu cuộc đời còn nhiều đắng cay
Cũng chẳng cần thanh âm huyền ảo
Hay sắc màu mê hoặc mắt ai
Nếu cuộc đời đớn đau dàn trải
Thì ngày mai cần lắm lời ngay,
Cần lắm những bàn tay rắn khỏe
Nâng đỡ, chở che kẻ yếu hèn.
Cần đôi chân bươn chải muôn nơi
Cùng đôi vai chờ gánh nhọc nhằn
Cho những mảnh đời còn gian lao.
Cần đôi mắt nhìn thấu việc đời
Những đôi tai phân biệt gian dối
Rồi từ đó xua tan bóng tối,
Đem bình minh nắng ấm khắp trời
Yêu thương sẽ đầy ắp trong đời
Cho nụ cười luôn nở trên môi.

Đây vần thơ đập vỡ cường quyền
Xuyên thấu tim gan lũ tàn bạo
Vạch rõ trắng đen, trò gian xảo,
Của cán bộ, đảng viên biến chất
Được tin tưởng cất nhắc chức cao
Lại trở thành phường gian độc ác,
Ăn của đút, bòn rút của công,
Ngang nhiên bức hại bao dân lành
Trù dập chẳng tha người đấu tranh
Đã đứng thẳng tố cáo gian manh.
Có lương dân phải vào nhập viện
Có người rơi vào cảnh cơ hàn
Lại có người lâm cảnh tù đày
Chỉ vì quyền lực trong tay chúng.

Còn những lũ cường đạo bất nhân 
Hà hiếp người yếu, kẻ cút côi
Những hành vi tàn bạo hại người
Khiến bao người thiệt thân, thiệt phận
Chỉ vì thú tính coi khinh luật,
Coi khinh sinh mệnh của con người.
Lại những bọn gian thương hám lợi
Giở mánh khóe kiếm lời bất chính
Khi ép giá, lúc găm hàng hiếm
Đầu cơ, tích trữ mặc dân đói,
Chỉ có ngồi vơ vét vào thân,
Thước đo duy nhất là lợi nhuận
Sẵn sàng lũng đoạn và thao túng
Biến thị trường thành một sân chơi
Mặc bao người khóc cười, nghèo đói.
Chúng còn tiếp tay làm hàng giả
Làm hàng bẩn, hàng kém chất lượng
Miễn sao có được lợi nhuận nhiều
Nói chi đến đạo đức doanh thương
Cố tạo nhiễu nhương kiếm bạc tỷ
Trong khi quản lý còn lỏng lẻo,
Quan tham tiền biết chuyện làm ngơ,
Bởi vậy hết vishin rồi đến vilines
Và biết bao nguồn hàng nhiễm độc.
Ngân hàng cứ đua nhau phá sản
Quỹ tín dụng chiếm đoạt tiền dân
Ngân sách thì thất thoát, thâm hụt
Sức khỏe người dân bị xâm hại
Những bàn tay công quyền ở đâu?
Hay rụt rè để che vết chàm?

Ôi những nguồn tài nguyên quý báu
Rừng vàng, núi bạc, biển đô la,
Bảo rằng xuất khẩu thu lợi nhuận
Để đầu tư cho hiện đại hóa
Nền sản xuất, công nghiệp nước nhà…!
Nhưng bán nhiều tiền thu về ít,
Máy móc thì lỗi thời, hết đát,
Nền công nghiệp cứ thế ì ạch
Nói chi chuyện kinh tế rồng bay
Quy đi ngoảnh lại thì mới hay
Phần nhiều vẫn đợi chờ nông nghiệp
Đưa đất nước vững bước tiến lên.
Nhưng đất cát, ruộng đồng khắp nước
Đều bị chúng đục khoét chẳng tha
Bán thẳng tay vơ ngay tiền mặt
Vét nhặt cho đầy túi tham quan.
Không chỉ đi đêm với đầu tư
Còn lập quỹ biến đổi công tư
Chẳng trò gian nào chúng khước từ
Nên đời gọi chúng là sâu mọt.

Còn những lũ mang tiếng học cao
Mà kiến thức chỉ toàn hủ lậu,
Dấu dốt, diệt tài, tạo bè phái
Sự bạo tàn cũng chẳng kém ai.
“Tiến sĩ giấy” dẫu chẳng cân đai
Thế mà khiến ai ai cũng sợ.
Rồi đến lũ văn thân bợ đỡ
Chỉ giỏi trò múa bút, khua môi
Nịnh trên, dối dưới đến mười mươi
Vẫn tự hào ta đây chính trực
Ngòi bút lẫn lương tâm một mực
Thẳng ngay và vì điều hay phải
Đâu ai biết chỉ toàn xằng bậy
Cũng vì tiền vì quyền cả thôi!
Văn chương, báo chí cũng theo thời
Nghĩa là cũng tránh việc thiệt thân
Cứ đồng chí với quan thì gần
Còn dân với nghèo thì xa lánh.
Lời trên sai cũng cho là đúng
Việc có hại cũng bảo là lành
Đúng là phường bán chữ hại dân
Và còn bao văn sĩ án oán
Cũng bởi lũ văn hèn vô sĩ.
Miệng đời, tiếng thế, chuyện thị phi, 
Cứ để mặc cán cân vô tri
Xoay thế thời theo quyền, tiền, lợi.
Chỉ bo bo với cái danh hão:
Nào nhà văn, nhà báo, nhà thơ,
Nhà nghiên cứu, chuyên môn, khoa học,
Chẳng nhọc lòng dốc sức chỉn chu
Chống cường quyền, áp bức, bất công
Lên tiếng trước những điều sai trái
Thì dẫu không ông nọ bà này
Vẫn là người được đời trọng vọng.
… Cảm khái…
Chẳng quan, không chức, đời chẳng trọng,
Không lắm tiền nhiều của như ai.
Kém tài, kém sức, kém văn chương
Quyết chẳng kém chi chuyện can trường.
Dám nói thẳng, chẳng lo mất lòng,
Chờ Đảng khơi cho tỏ đục trong
Cán cân công lý Đảng xoay vần
Dẹp tham quan, bạo tàn, biến thái
Đường tới tương lai vững tay lái
Dân xa gần hết lời oán thán
Chỉ một lòng xây dựng giang sơn!./.

23/02/2014.
Ảnh

LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC HIỆN NAY: KHỦNG HOẢNG HAY CHỈ LÀ MỘT KHOẢNG LẶNG TRƯỚC THỀM THẾ KỶ MỚI?

Bình Luận Văn Học:
Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, với chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả LLPB văn học” đã diễn ra đúng vào thời điểm lĩnh vực văn học nói chung, LLPB văn học nói riêng, cần có một cú hích để thực sự thoát ra khỏi sự trì trệ, bế tắc, đã diễn ra trong quãng ngắn thời gian vừa qua.
1. Giao thời và lỗi “Y2K” của LLPB văn học Việt
Đề cập tới đời sống văn học thời gian gần đây không ít học giả, nhà nghiên cứu bày tỏ thái độ đồng tình với ý kiến cho rằng: LLPB văn học nước nhà đang lâm vào khủng hoảng. Dấu hiệu của khủng hoảng khởi phát từ mấy năm cuối của thế kỷ XX và duy trì cho tới hơn một thập niên đầu thế kỷ XXI. Xét theo hệ quy chiếu thời gian, dễ dàng nhận thấy đây là thời điểm giao thời. Thế kỷ XX khép lại với rất nhiều những chiến công, kỳ tích của hai cuộc chiến tranh vệ quốc và thống nhất nước nhà. Và điều đó tạo thành những dấu ấn lấp lánh trong tác phẩm văn học lẫn nghiên cứu, LLPB. Những thành tựu có được trong văn học nói chung đều ghi nhận mối quan hệ thân thuộc với hiện thực sinh động đó của dân tộc. 
Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, khi những con người làm nên kỳ tích, lớp đã lui vào quá vãng, lớp đã đến và qua cái độ chín trong sáng tạo và tìm tòi, thì lớp thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, nói cho đúng là sau thời kỳ cải cách mở cửa, 1986, buộc phải đối diện với một trạng thái xã hội mới, với bầu sinh quyển đã khác hẳn so với trước đây. LLPB văn học vì thế dễ trở nên lạc lõng, lỗi thời, nếu vẫn theo cái nếp cũ. Nhà nghiên cứu, lý luận, không đến nỗi bơ vơ, nhưng cũng tự thấy thiếu một lối về với đông đảo nhân sinh, nghệ sĩ. Đó cũng là lúc khoảng lặng xâm chiếm, dấu hiệu bế tắc, những hạn chế hiện rõ. Nói thẳng như GS.TS. Trần Đình Sử là: lý luận văn học đang rơi vào khủng hoảng! 
“Nhưng rồi Thời Đổi mới đã đến, đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy xã hội và kinh tế, thì lí luận văn học uy phong lẫm liệt một thời tự tan rã. Các khái niệm có vai trò trụ cột, quy phạm của văn học một thời như phản ánh, chức năng, nguồn gốc văn nghệ, tính giai cấp, tính nhân dân, văn nghệ phục vụ chính trị, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, điển hình, tính chân thật, tính đơn nghĩa… bị hoài nghi, lí luận văn học bị làm rỗng nội dung và mất dần hiệu lực. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu tạo nên cái mà không ít người gọi là “khủng hoảng lí luận””   (1). 
Là một hình thái đặc thù, bởi vậy, khủng hoảng lý luận xét về khái niệm, nội hàm và các nguyên nhân dẫn phát đều có những điểm riếng biệt. Điều đó được GS.TS. Trần Đình Sử lý giải: “Khủng hoảng là gì? Là trạng thái quá độ nặng nề từ một hình thái lí luận này chuyển sang hình thái lí luận khác. Lí luận cũ với hệ giá trị cũ đã mất hiệu lực, nhưng chưa mất đi thật sự, lí luận mới đã được nối kết, nhưng chưa được hình thành hẳn. Trạng thái bây giờ là nửa nọ, nửa kia, cũ mới đan xen. Với trào lưu “Cởi trói”, sáng tác, phê bình văn học bùng lên như con ngựa được tháo cương, tung vó phi ra bốn phía, dường như viễn cảnh được mở rộng. Nhưng đối với không ít người thì lại lo thiếu vắng một thứ lí luận đủ sức trói buộc, định hướng chặt chẽ con ngựa ấy. Những câu hỏi lớn day dứt nhiều người: Văn học sẽ đi về đâu? Nhiều người mơ ước làm thế nào để có lại một lí luận văn học quyền uy như trước. Ai sẽ là người trọng tài văn học? Xuất phát từ những tiêu chí nào để nhìn nhận văn học hôm nay? Hầu hết tác phẩm đều có thể đánh giá trái ngược nhau. Đó là mặt thứ hai của cơn khủng hoảng lí luận”  (2).
Còn một nguyên do cơ bản nữa của khủng hoảng LLVH hiện thời là “lí luận văn học mác xít của ta thuộc dòng lí luận cổ điển thế kỉ XIX trở về trước, chủ yếu quan tâm các vấn đề vĩ mô mà hầu như không quan tâm các phương diện vi mô như ngôn ngữ, văn bản, tiếp nhận… Theo chúng tôi, sự khủng hoảng của nó đánh dấu lí luận văn học hình thái cũ đã lỗi thời, một hình thái lí luận văn học mới, bao hàm cả phương diện vĩ mô lẫn vi mô, phù hợp thời đại mới và trình độ tư duy mới sẽ phải được xây dựng mới”  (3).
Rõ ràng, yếu tố giao thời khi thế kỷ XX khép lại và thế kỷ XXI mở ra đã trở thành một nguyên do chính yếu tạo nên trạng thái nói trên của lý luận văn học. Và như một phép kéo theo tất yếu trong logic học, khi nền tảng, cơ sở rơi vào khủng hoảng – tức lý luận, thì phê bình đến lượt mình cũng chịu chung số phận. Ở đây cần phải nói thêm về yếu tố giao thời. Cần hiểu giao thời không đơn thuần về mặt thời gian trôi chảy theo trật tự tuyến tính, mà đó còn là chuyển giao thế hệ, chuyển giao giữa hình thái lý luận cũ và mới. Đó còn là sự thay đổi của hiện thực cuộc sống, còn là sự giao lưu mở rộng trong xu thế toàn cầu hóa với những thuộc tính mới trước đây chưa từng có. Tư duy mới, nếp nghĩ mới, khung kiến thức mới, bầu sinh quyển mới… Tất cả tạo nên một thực tế đòi hỏi thay đổi, và một cuộc chuyển giao thực sự trong lý luận phê bình văn học đang diễn ra một cách từ từ, từng ít một ở bên trong. Không ồn ào, dữ dội, mà lặng lẽ, thâm trầm, tiếp thu và kiến tạo. Đi cùng là những chủ thể mới đang xuất hiện, đó là yếu tố tiên quyết để cuộc chuyển giao diễn ra suôn sẽ và đi tới hoàn tất. Đó cũng là điều mà những người như GS.TS. Trần Đình Sử mong đợi, trăn trở và thể hiện trong bài viết của mình.
Năm 1999, trước thời điểm bước sang năm 2000, thế giới bồn chồn chờ đợi. Sự kiện được quan tâm nhiều nhất, thu hút cả những người không có chút mảy may hiểu biết về công nghệ thông tin ở thời điểm đó, chính là “lỗi Y2K” của hệ thống lịch và thời gian được cài đặt trong bộ nhớ máy tính. Sẽ nguy hại biết bao khi ở thời điểm 0 giờ của ngày cuối cùng năm 1999, tức thời khắc đầu tiên bước sang năm 2000, đồng hồ máy tính vẫn chạy như thường nhưng bộ đếm được BIOS trả về 00, tương ứng với năm 1900. Vấn đề này là do máy tính nhận dạng ngày 01/01/00 (ngày 1 tháng 1 năm 2000) như là ngày 1 tháng 1 năm 1900. Toàn bộ dữ liệu của tất cả các lĩnh vực sẽ sai lệch và dẫn tới lỗi hệ thống. Các đại gia ngành công nghệ thông tin trên toàn thế giới ráo riết chuẩn bị các phương án để khắc phục sự cố này, thiệt hại do lỗi “thiên niên kỷ” “Y2K” cũng khá lớn. Và đó là một bài học về sự chuẩn bị cho những thay đổi ở thời khắc chuyển giao, dù nó chỉ đơn thuần là thay đổi về bộ đếm thời gian, ngày tháng. Có thể hiểu LLPB văn học Việt hiện nay đang gặp phải một lỗi gần như vậy, tất nhiên, nó có những đặc điểm hoàn toàn khác do lĩnh vực chuyên môn quy định.
2. Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III: Bản tổng kết hoàn tất cho quá khứ và hiện tại?. Những ý kiến hoạch định cho tương lai vẫn còn mờ nhạt, chấm phá, chưa hiện hình một phác thảo hoàn chỉnh.
Theo dõi nội dung được cập nhật theo từng phiên làm việc của Hội nghị, những điểm chính yếu được rút ra từ những báo cáo tham luận đã bao quát được thực trạng LLPB văn học nước nhà. Thay vì làm cái việc điểm báo cáo tham luận, tôi xin lược dẫn phần kết luận để chúng ta thấy được những nội dung chính của Hội nghị.
“Nhà thơ Hữu Thỉnh tổng kết Hội nghị: “(…) với nhiều kênh tiếp cận, LLPB đã theo sát sáng tác, kịp thời động viên tiếng nói mới, vừa lên tiếng trước những hiện tượng còn chưa tốt, chủ động nghiên cứu, công bố những công trình công phu được ghi nhận; công tác đầu tư có cải tiến (số lượng nhiều, chất lượng tốt); một số công trình nghiên cứu về văn hóa dân tộc đã được xuất bản; nhiều nhà sáng tác tham gia làm công tác LLPB và được công nhận; không khí sinh hoạt phê bình cởi mở, dân chủ, trân trọng những thành quả lao động sáng tạo, đồng thời có cách xử lí hợp lý với từng tình huống trong đời sống văn học.(…). Có nhiều tài năng LLPB mới đã xuất hiện.
Bên cạnh đó còn có những hạn chế: hiện nay chúng ta đang thiếu bàn tay “nhạc trưởng” để hoạch định, điều hành các cơ quan chủ quản của công tác LLPB văn học; phê bình không bao quát hết thực tiễn sáng tác; có một số ý kiến lạc chuẩn chưa bị phê phán đúng mức. Lý luận được tiếp thu đa chiều nhưng chưa được thảo luận, tiếp thu đến nơi đến chốn; (…). Quan niệm phê bình không đi vào thực chất.
Hội nghị LLPB văn học lần thứ III này đã thể hiện tinh thần thiện chí, trách nhiệm chung, mong muốn LLPB là cơ sở cho nền văn học phát triển; thảo luận dân chủ trên cơ sở dòng chảy chính, từ đó có nhiều ý kiến đa dạng, phong phú (…). Hội nghị đã đặt LLPB trong bình diện văn hóa nói chung. Hội nghị đã kiến nghị với Hội Nhà văn VN một hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả LLPB văn học theo hướng chuyên nghiệp hóa. Cần có một số biện pháp: mở rộng khung lý thuyết; tăng cường đối thoại; xây dựng hệ giá trị mới; tổ chức biên soạn nhiều công trình có giá trị (…)”  (4).
Đánh giá tổng kết Hội nghị đã bao quát và đề cập tới những vấn đề cốt yếu của LLPB hiện tại, có thể xem như “lịch sử” đã hoàn tất, vấn đề còn lại là những hoạch định, định hướng cho tương lai, cho sự phát triển của LLPBVH thế kỷ XXI, dù chúng ta đã bước vào thế kỳ này hơn 10 năm. Bước ngoặt hay đơn giản chỉ là sự chuyển tiếp và giao thời, điều đó phụ thuộc vào cách nhìn nhận và đánh giá thực trạng lẫn những biến chuyển trong thời gian tới của LLPB. Ở Hội nghị này, vấn đề đó còn bỏ ngỏ. Đúng hơn là chưa thừa nhận vấn đề khủng hoảng theo như cách nhìn nhận của GS.TS Trần Đình Sử và những người cùng quan điểm với ông. Do đó, phương hướng của LLPBVH được đề xuất trên cơ sở khắc phục hạn chế, phát huy những mặt tích cực, không thực sự triệt để như ý kiến của GS.TS. Trần Đình Sử đối với vấn đề này.
Dẫu chưa gặp gỡ lắm về mặt quan điểm, nhưng mấy dòng kết luận dưới đây của GS.TS. Trần ĐÌnh Sử về lối thoát cho khủng hoảng LLVH khá thống nhất và làm rõ hơn, bổ sung thêm cho phần kết luận của Hội nghị đối với vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển LLPB theo hướng chuyên nghiệp hóa, phù hợp với hiện thực mới. Đó là: “Để xây dựng một nền lí luận văn học theo hình thái mới và để cho lí luận văn học Việt Nam tiến kịp bước tiến chung của thời đại, có tác dụng thúc đẩy văn học và phê bình văn học dân tộc tiến bộ, hơn lúc nào hết chúng ta cần tạo điều kiện giao lưu rộng rãi về lí luận văn học, tạo điều kiện cho những người làm nghề lí luận được học tập, sáng tạo lí luận theo thiên hướng của mình, được phát biểu ý kiến của mình mà không lo ngại về các cuộc “tranh luận” trá hình mà thực chất là sự thi hành quyền lực một cách tinh vi. Lí luận văn học phải do những nhà chuyên môn tìm tòi nghiên cứu. Cần đào tạo và tôn trọng các chuyên gia. Chúng tôi luôn nhớ đến các chính sách nông nghiệp đã từng biến nước ta từ một nước thiếu ăn thành một nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Lí luận văn học sẽ có những quy luật khác với sản xuất nông nghiệp, song vẫn khát khao những điều kiện giúp phát huy tiềm năng vốn có, thúc đẩy chúng ta sớm bước ra khỏi cuộc khủng hoảng lí luận văn học hiện tại, mà một trong những đòi hỏi hàng đầu là xuất bản và giới thiệu những cái mới, cùng với nó là những tranh luận tự do, xây dựng những nhân cách độc lập trong giới nghiên cứu lí luận, xoá bỏ những  nô lệ về tư tưởng ” (5).
                                                                                                                10/2013
Chú thích:
1, 2, 3, 5: Trần Đình Sử: Lí luận văn học khủng hoảng và lối thoát, nguồn: trandinhsu.wordpress.com.
4: Trích tổng kết ở phiên bế mạc Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III, nguồn: vanvn.net.
(Ảnh minh họa - ST)
Ảnh

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN TRONG VĂN HỌC PHỤC HƯNG PHƯƠNG TÂY VÀ CHỦ NGHĨA NHÂN ĐẠO TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM (GIAI ĐOẠN NỬA SAU TK XVIII – HẾT XIX): NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG



Văn Học So Sánh:
I.        Dẫn nhập.
Văn học lịch sử so sánh là một bộ môn của ngành nghiên cứu văn học, đối tượng nghiên cứu của nó là lấy văn học của các quốc gia, khu vực so sánh với nhau nhằm tìm ra những liên hệ, tác động, ảnh hưởng hoặc những tương đồng văn học xét về mặt loại hình. Về đối tượng so sánh thì có thể so sánh ở cấp độ khuynh hướng tư tưởng, tác giả, tác phẩm cụ thể.
Trong bài viết này, khi đặt vấn đề tìm kiếm những điểm tương đồng giữa chủ nghĩa nhân văn trong văn học Phục Hưng phương Tây và chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam (giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết XIX) có nghĩa là chúng ta so sánh văn học ở cấp độ khuynh hướng tư tưởng. Và vì chỉ để phát hiện điểm tương đồng, gặp gỡ giữa hai khuynh hướng văn học này, bài viết sẽ không đề cập tới những sự khác biệt vốn có trong hai khuynh hướng văn học.
II.        Cơ sở và phương pháp.
1.         Cơ sở để tiến hành so sánh
Một vấn đề đặt ra cho người viết khi tiến hành so sánh hai khuynh hướng văn học nêu trên là dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nào. Ở đây, chúng ta phải giải quyết được hai vấn đề cơ bản:
① Hai khuynh hướng văn học này có thuộc cùng một loại hình văn học hay không?
② Nội dung của hai khuynh hướng này (tức khai niệm nhân văn và nhân đạo) có cùng phạm trù hay không?
1.1.         Sự đồng nhất về mặt loại hình văn học  
Trước khi đi vào việc chứng minh hai khuynh hướng văn học nêu trên là cùng một loại hình văn học ta cần phải đặt hai khuynh hướng này vào thời đại sản sinh ra nó.
Trước hết, thời Trung đại Phương Tây kết thúc vào thế kỷ XVII, Chủ nghĩa nhân văn ra đời ở thế kỷ XIV và kết thúc ở thế kỷ XVII nên nó thuộc vào loại hình văn học Trung đại.
Còn thời Trung đại Việt Nam kết thúc vào cuối thế kỷ XIX, vì vậy văn học Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX thuộc vào loại hình văn học Trung đại.
Như vậy, xét về mặt loại hình hai khuynh hướng văn học chúng ta so sánh đều cùng thuộc loại hình văn học trung đại cho nên chúng có những điểm tương đồng nhất định. Bên cạnh đó, từ những điểm chỉ ra ở trên ta thấy rằng: hai khuynh hướng này đều nằm vào những giai đoạn cuối của hai nền văn học, cho nên chúng sẽ có chung một số tính chất như: kết thúc một loại hình văn học, tạo ra những tiền đề cần thiết về mặt thi pháp cho sự ra đời của một loại hình văn học tiếp sau nó.
Tất nhiên, ở đây chúng ta cũng cần lý giải cơ sở của việc khẳng định sự đồng nhất về thời đại – dẫn đến sự đồng nhất về loại hình văn học đã nêu ở trên – của hai khuynh hướng văn học này. Và xét về mốc thời điểm lịch sử nó lại không có sự trùng khớp nhau. Cơ sở lý thuyết để giải quyết vấn đề này là hai nguyên lý: thuyết nhất nguyên luận lịch sử và sự phát triển không đồng đều của lịch sử. Ngoài cơ sở lý luận đó, xét về mặt thực tiễn ta nhận thấy: dù là phương Đông hay phương Tây, quốc gia này hay quốc gia khác nhưng cứ hễ tìm sâu vào bản sắc văn hóa vốn dĩ mang tính độc đáo cá biệt của nó ta sẽ tìm thấy giá trị quốc tế rộng rãi trong đó. 
1.2.         Khái niệm nhân văn và nhân đạo
Đây là hai khái niệm xét về nguồn gốc là một. Tuy nhiên, khi sử dụng thì nội hàm của hai khái niệm có những chỗ không trùng khít nhau. Khái niệm nhân văn thường được hiểu thiên về văn hóa – nó rộng, còn nhân đạo thì thường thiên về chính trị và đạo đức – hẹp hơn. Nhưng cái làm nên cốt lõi của hai khái niệm này là khẳng đinh những giá trị nhân bản của con người.
2.        Phương pháp
Phương pháp cơ bản của bài viết này là so sánh – so sánh khuynh hướng văn học. Tuy nhiên, khuynh hướng văn học là cái được khái quát, biểu hiện từ các hiện tượng trong đời sống văn học, nó bao hàm trong đó tư tưởng của tác giả và tác phẩm. Nhưng để so sánh các tác giả, tác phẩm với nhau, thì ta phải tiến hành phân tích tác giả, tác phẩm. Mặt khác, cũng cần phải thống kê, phân loại nhằm tìm ra các hiện tượng tương đồng. Vì vậy, ở đây ngoài việc sử dụng phương pháp so sánh khuynh hướng văn học ra còn sử dụng kết hợp phương pháp so sánh tác giả, tác phẩm và phương pháp thống kê, phân loại.
III.         Những biểu hiện tương đồng
1.        Trên cấp độ khuynh hướng tư tưởng của hai khuynh hướng văn học: chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa nhân đạo đều đề cập tới những nội dung tư tưởng cơ bản sau:
-        Khám phá ra con người và khẳng định những giá trị chân chính của con người. Con người được đề cập tới ở đây với tất cả sự phong phú của nó trở thành đối tượng chủ yếu, tập trung trong nhận thức văn học, và điều đó đem lại sự đổi mới cho văn học từ nhiều mặt. Và cũng xuất phát từ sự khám phá ra con người, khẳng định những giá trị chân chính của con người mà VHPH phương Tây – văn học Việt Nam (giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX) đã phát triển chủ yếu trên hai bình diện bổ sung cho nhau:
① Phê phán những thế lực phong kiến chà đạp con người.
     ② Đề cao con người, đề cao cuộc sống trần tục.
2.        Những khía cạnh cơ bản của nội dung tư tưởng:
2.1.         Giải phóng tình cảm là vấn đề trung tâm: Mà ở đây là đấu tranh để được tự do yêu đương, thái độ của nhà văn đối với vấn đề tình yêu là khẳng định. Tuy nhiên, giải phóng tình cảm không chỉ gắn với tình yêu mà còn gắn với sự xuất hiện của hình ảnh người phụ nữ trong văn học. Đề cao phụ nữ có tài đức, nghị lực với thái độ cảm thông bênh vực.
2.2.         Phong cách cá nhân cũng được thể hiện rõ nét: Nhà văn không nhân danh con người nói chung mà luôn nhân danh một cá nhân, một cá thể. Họ luôn ý thức phát triển bản sắc cá nhân, sẵn sàng đối lập nó với cái xã hội mục nát, thối rữa.
2.3.         Tố cáo mạnh mẽ, lên án gay gắt: Cái nền tảng luân lý, đạo đức của xã hội trung cổ đè nén tình cảm, cá tính con người. Tỏ thái độ khinh miệt, ghê tởm cả cái thể chế đó.
3.        Những nét tương đồng biểu hiện ở các tác giả, tác phẩm.
3.1.         Tác giả: Ở đây chúng tôi sắp xếp các tác giả tiêu biểu (và các tác phẩm tương ứng của họ) có cùng khuynh hướng vào cùng một dòng:
-        Dòng tư tưởng đề cao, tin tưởng những phẩm chất tốt đẹp của con người, đấu tranh cho những nhu cầu chân chính của con người (về tinh thần và xác thịt): Nguyễn Du là tiếng nói về thân phận người phụ nữ, tố cáo xã hội phong kiến với những định kiến trói buộc người phụ nữ, đày đọa họ. Những người phụ nữ trong tác phẩm được tác giả xây dựng là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Trong dòng này, về phía văn học phương Tây có: Đan tê là sự đề cao tình yêu trong sáng, thánh thiện. Sêcxpia khẳng định sức mạnh của tình yêu, sức mạnh đó có thể thắng cả lễ giáo phong kiến, tư tưởng giáo hội, sự phân biệt chủng tộc ... Xécvăngtéc thể hiện rõ sự ủng hộ của mình về vấn đề tình yêu tự do, đó là quyền được tự quyết định đối với hạnh phúc cá nhân của bản thân mình.
-        Dòng tư tưởng đề cao vẻ đẹp tự nhiên của thân thể, đấu tranh cho những đòi hỏi tự nhiên ở con người, thể hiện một niềm khao khát nhục dục mạnh mẽ: Hồ Xuân Hương là khát vọng được sống, được yêu một cách tự do, được đáp ứng những đòi hỏi, những ham muốn thể xác, đề cao vẻ đẹp thân thể tự nhiên, thể hiện bản lĩnh, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Ở phương Tây tiêu biểu cho dòng này là Morot. Thơ ông hướng đến tìm kiếm vẻ đẹp trên thân thể người phụ nữ. Bên cạnh đó còn có Rabelais. Ông đề cao những đòi hỏi tự nhiên của con người. Ngoài ra còn có Labe, được những người đương thời xem là một hiện tượng lạ lùng. Bà đề cao nhục tính một cách mạnh mẽ, khước từ làm “người đàn bà – đồ vật”, thơ bà thể hiện sự giằng xé giữa khoái lạc và cảm thức thiếu thốn. Bà thú nhận sức mạnh toàn năng của tình yêu.
-        Dòng thể hiện tư tưởng hưởng thụ, ngông cuồng, thể hiện sự bất mãn với xã hội, tư tưởng cá nhân phóng khoáng, thách thức cả thời đại: Nguyễn Công Trứ là một đại diện tiêu biểu của Việt Nam, ông luôn làm theo sở thích của mình, tự tin ở tài năng của bản thân, ghét cảnh nghèo hèn, sẵn sàng thách thức cả xã hội. tiêu biểu nhất cho phương Tây ở dòng này là cảm tính Barôque (ra đời ở nước Pháp), nó mời gọi sự hưởng lạc cá nhân, đề xuất một kiểu sống vội, yêu cuồng.
3.2.         Tác phẩm:
3.2.1.        Văn học Việt Nam:
         Thơ Nôm Hồ Xuân Hương
Thơ, phú Nguyễn Công Trứ
Thơ, phú Cao Bá Quát
Truyện Kiều – Nguyễn Du
3.2.2.        Văn học phương Tây:
Thần khúc – Đantê
Păngtagrien – Rabơlais
Thơ Blason – Morot
Rômêo và Juliét, Ôtenlô, Hămlet – Sêcxpia.
Đôkihôtê – Xecvăngtec.
(Các tác giả và tác phẩm được lấy làm đối tượng để so sánh là những tác giả, tác phẩm tiêu biểu cho hai khuynh hướng văn học).
IV.         Kết luận
Từ những điểm tương đồng chỉ ra ở trên ta nhận thấy: dù ở cấp độ này hay cấp độ khác, thì cả văn học Việt Nam (giai đoạn nửa sau thế kỷ XVIII – hết XIX) và văn học phục hưng phương Tây, đã đạt được những thành tựu to lớn, nổi bật. Chính từ hai khuynh hướng sáng tác này mà văn học Việt Nam và phương Tây thời trung đại ở giai đoạn kết thúc của nó đã đạt đến đỉnh cao, khép lại một loại hình văn học và đồng thời nó cũng tạo được những tiền đề cần thiết cho sự ra đời của hai loại hình văn học tiếp sau nó. Cũng từ những điểm tương đồng ta có thể khẳng định văn học trung đại Việt Nam đã góp một phần quan trọng trong việc xây dựng nên một nền văn học thế giới giàu tính nhân văn – nhân bản. Và giá trị nhân đạo là màu sắc riêng biệt của văn học trung đại Việt Nam trong vườn hoa văn học thế giới.
                                                                                                   Ngô Xuân Phúc
                                                                                                   Vinh, 10 – 2002

MỜI TRẦU CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG: SỰ PHÁ CÁCH VÀ HIỆN ĐẠI TRONG PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ

Văn Học Trung Đại Việt Nam:
1.        Nói đến Hồ Xuân Hương là nói đến một hồn thơ phóng khoáng, độc đáo, sâu sắc. Số lượng thơ của Hồ Xuân Hương để lại không nhiều nhưng nó là vốn quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Tuy nhiên, xung quanh các tác phẩm của Hồ Xuân Hương còn tồn tại nhiều quan điểm trái ngược nhau trong cách nhìn nhận, đánh giá nội dung tư tưởng cũng như nghệ thuật. Khen cũng lắm mà chê cũng nhiều. Người khen vì tìm thấy ở thơ Hồ Xuân Hương những giá trị nhân văn cao đẹp, hơn thế, những giá trị nhân văn đó luôn được nữ sĩ chuyển tải bằng những thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Còn người chê thì cho rằng, thơ của Hồ Xuân Hương ngôn ngữ không trong sáng, nội dung có phần thô tục. Khen chê vốn dĩ thường tình trong văn học lẫn đời sống. 
Chúng ta đều biết văn học phản ánh hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật. Bởi vậy, khi tiếp xúc với một tác phẩm văn học, một hình tượng nghệ thuật thì mỗi người dựa vào kinh nghiệm thưởng thức nghệ thuật, hoặc sự am hiểu văn học mà có cách cảm, cách hiểu riêng. Cho nên trong văn học có những hình tượng nghệ thuật không có một đáp án được xem là duy nhất đúng, là đáp án cuối cùng. Các quan điểm đều được thừa nhận nếu nó có tính thuyết phục, và cùng tồn tại trên cơ sở bổ sung lẫn nhau chứ không loại trừ nhau. Hơn thế, hình tượng nghệ thuật vốn dĩ là một chỉnh thể sinh động như cuộc sống, nó có tính mở trong quá trình tiếp nhận văn học của người đọc, dù xét nó ở góc độ lịch đại hay đồng đại.
2. Trên phương diện nghiên cứu văn học, “Mời Trầu” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương có thể xem là một bài thơ - hiện tượng - hội tụ đầy đủ những đặc điểm gây tranh cãi nêu trên. Điểm đáng lưu ý ở bài thơ “Mời trầu” là bài thơ này được sáng tác theo thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Mà thơ Đường có đặc điểm nổi bật là: cô đọng, hàm súc, gợi nhiều hơn tả, ý tại ngôn ngoại. “Mời trầu” vì thế cũng không phải là một ngoại lệ. Chính đặc điểm này cùng với tài dùng chữ, chơi chữ của nữ sĩ là nguồn gốc của những cách hiểu khác nhau về bài thơ. Thuận lợi duy nhất đối với người nghiên cứu là bài thơ được sáng tác theo thể thơ Đường nhưng sử dụng chữ Nôm nên ngôn ngữ thơ rất gần gũi và dễ hiểu. (Ấy vậy mà “Mời trầu” vẫn gây ra biết bao tranh cãi đầy tế nhị!?). Và xét ở khía cạnh đề tài, “Mời Trầu” vẫn được xếp vào nhóm các tác phẩm vịnh vật. Với thơ vịnh vật làm theo thể tuyệt cú (tứ tuyệt) có điểm chung là dòng đề và thực (1,2) thường là những câu miêu tả về sự vật, bao gồm: hình dáng, đặc điểm, phẩm chất, tính chất… Dòng luận, kết (3,4) trên cơ sở những gì được miêu tả hay đề cập tới của sự vật trong hai dòng đầu, tác giả liên hệ, khái quát thành những đặc điểm của con người bao gồm: ngoại hình, diện mạo, tính cách, thân phận, mối quan hệ… Những điều này khi đi vào phân tích cụ thể tác phẩm chúng ta sẽ thấy rõ.
Người xưa có câu ca: 
“Đàn ông nông nỗi giếng khơi (thơi)  (1)
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”
Và đây, “Mời trầu” của Hồ Xuân Hương sẽ cho chúng ta thấy cái “sâu sắc” của phụ nữ Việt Nam:
Mời trầu (2)
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi
Hai dòng thơ đầu của bài thơ mang hai nội dung thông báo khá rõ ràng, không hàm chứa ý nghĩa gì sâu xa xét trên phương diện ngôn từ, văn bản.
Dòng thơ mở đầu giới thiệu về hai thành tố chính của một miếng trầu: “quả cau”, “miếng trầu”. Đi cùng với hai thành tố này là hai tính từ, một chỉ kích thước: “nho nhỏ”, một chỉ phẩm chất: “hôi”. Hai tính từ này cho thấy cau và trầu ở đây chỉ là loại cau, trầu, rất đỗi bình thường, dân giã. Chẳng những thế, với sắc thái của hai tính từ đi cùng này, dường như tác giả muốn nhấn mạnh hơn cái nhỏ bé của miếng trầu và quả cau. Nó như là một sự khiêm nhường của tác giả. Hay đó cũng chính là thân phận người phụ nữ Việt Nam dưới thời phong kiến: nhỏ bé, yếu đuối, thấp hèn? Và ở dòng thơ thứ hai, với sự xuất hiện của Hồ Xuân Hương, điều đó được làm sáng tỏ. Quả cau, miếng trầu là hiện thân của Hồ Xuân Hương, người con gái tài hoa nhưng đường tình duyên nhiều trắc trở. 
Dòng thơ thứ hai thông báo (giới thiệu) về chủ thể mời trầu “của Xuân Hương” và hành động của chủ thể “mới quệt rồi”. Dòng thơ không đề cập tới thành tố thứ ba là “vôi”, nhưng động từ “quệt” đã hàm chứa sự xuất hiện của thành tố này. Rất tài tình, không nói đến vôi mà vẫn có vôi, một động từ giàu sức gợi. Cá tính thơ độc đáo của Xuân Hương còn thể hiện ở cái cách đưa chính tên riêng của mình vào câu thơ. Trong văn học Trung đại, sự xuất hiện như vậy là khá hiếm, đường đột nhưng rất ấn tượng. Như vậy, chủ thể sáng tác và nhân vật trong thơ là một. 
Từ nội dung thông báo của dòng 1 và dòng 2 ta nhận thấy: 
Các thành tố của một miếng trầu đã hội tụ đầy đủ: quả cau, miếng trầu và vôi (quệt).
Chủ thể mời trầu đã xuất hiện: là Hồ Xuân Hương (này của) – tác giả bài thơ.
Và xét theo khía cạnh tình thái thì dòng thơ thứ hai hàm chứa một lời mời.
Đến đây ta cứ ngỡ chuyện mời trầu là “thật” và cái thiếu là chưa thấy xuất hiện khách thể (đối tượng) được mời trầu. Do đó, ta cứ ngỡ hai dòng thơ cuối sẽ xuất hiện đối tượng được mời. Xét theo logic thông thường thì mạch của bài thơ sẽ đi theo hướng đó, và nó cũng phù hợp với tính chất của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, với trình tự phát triển của mạch thơ, tứ thơ theo cấu trúc: đề - thực – luận – kết. Nếu đúng như vậy thì đây sẽ là một bài thơ tự sự, tác giả kể về sự việc mời trầu.
Nhưng cái logic thông thường đó bị phá vỡ. Nội dung thông báo của bài thơ đã phát triển không như suy luận, mạch của bài thơ dường như rẽ sang một nhánh khác với sự xuất hiện bất ngờ của bốn chữ (những tín hiệu) không cùng “kênh” với tín hiệu ở hai dòng thơ trước đó: “Có phải duyên nhau …”, đã làm cho dọng thơ thay đổi, từ chuyện mời trầu – tự sự, chuyển sang chuyện tình yêu lứa đôi, chuyện nhân duyên – trữ tình. Thực ra, nếu bạn đọc dừng lại ngẫm nghĩ, chắp nối các sự kiện và xâu chuỗi chúng lại với nhau thì sẽ phát hiện ra mạch cảm xúc của bài thơ không hề thay đổi, không hề có sự biến tấu. Cái thay đổi chỉ là cái bề nổi, là sự diễn đạt cảm xúc không theo lối thông thường.
Ngược trở lại với hai dòng thơ đầu ta bắt ngặp hình ảnh người con gái (Xuân Hương) với miếng trầu. Đó là tín hiệu thẩm mỹ đầu tiên xuất hiện và gợi mở để chúng ta tìm về với câu chuyện cổ tích Trầu cau. Miếng trầu trong tâm thức, truyền thống của người Việt Nam là biểu tượng của tình cảm chân thành, thủy chung, keo sơn, son sắc giữa người với người, giữa những đôi lứa yêu nhau. Người xưa, vui buồn đều có miếng trầu, gặp nhau cùng với lời thăm hỏi là mời ăn miếng trầu, trai gái nên duyên cũng phải có miếng trầu. Thế nên mới nói: “miếng trầu là đầu câu chuyện”, hay “miếng trầu nên nghĩa phu thê”… Hồ Xuân Hương đã khéo léo lồng ghép ý nghĩa thiêng liêng đó để đưa người đọc vào một thế giới ảo, với một khung cảnh mời trầu ảo. Liên kết hình ảnh trên với hai dòng thơ cuối thì điều mà nữ sĩ muốn đề cập ở đây không phải là chuyện mời trầu, đó chỉ là cái cớ, cái nguồn dẫn để tác giả tâm tình về chuyện tình cảm, về quan niệm tình yêu của chính tác giả. Và những lưu ý ở phần trên trước khi đi vào phân tích bài thơ về đặc điểm của thơ tứ tuyệt vịnh vật đến đây đã rõ ràng!
Dòng thơ thứ ba là một giả định, một câu hỏi lấp lửng, chứ nó không phải là một lời giới thiệu về đối tượng được mời trầu, đối tượng không xuất hiện, chỉ có nhân vật trữ tình đang bộc lộ cảm xúc: “Có phải duyên nhau thì thắm lại”. Nó không có sự khập khiễng nghĩa với hai dòng đầu. 
Đến đây ta nhận thấy rõ ràng sự tự ý thức về tình cảm, thân phận người phụ nữ của nhà thơ. Đó là nỗi lòng khát khao yêu thương, mong muốn có người bạn tình “phải duyên”, như miếng trầu kia có người ăn mà “thắm lại”. Đây rõ ràng là tâm sự của một cô gái vừa đến tuổi yêu, một cô gái thanh tân tươi tốt có trái tim nóng bỏng yêu thương và đang khao khát được đáp lại. Bởi vậy mới nói, Xuân Hương đâu có mời trầu mà đang “mời tình” đấy chứ! Rõ ràng bài thơ là bức tranh tình cảm mà Xuân Hương tự nhìn ngắm và vẽ nên.
Xuân Hương thật mạnh mẽ, táo bạo, bản lĩnh và hết sức hiện đại khi bộc lộ điều sâu kín ấy của trái tim. Dũng cảm biết bao nếu chúng ta nhìn nhận những khắt khe của lễ giáo phong kiến đối với chuyện tình yêu, đối với chữ duyên cũng như thân phận người con gái.
Xuân Hương còn táo bạo hơn khi dám đưa ra cả tiêu chuẩn chọn bạn. không phải ngẫu nhiên mà Hồ Xuân Hương vừa giả định lại vừa như hỏi ở dòng thơ thứ ba. Vâng, tiêu chuẩn của Hồ Xuân Hương là “phải duyên”, tức là phải có tình yêu chân thành, một tình yêu tự do. Cái tình của người con gái thanh tân tràn đầy sức sống không đơn giản mong muốn có được, gặp được một người con trai. Cái cần là gặp được người có duyên, hợp duyên với người con gái. Có duyên thì miếng trầu mới “thắm lại” được, một giả định, mong ước của người con gái mời trầu. Và có gặp được người “Phải duyên” cô mới dâng hiến tình yêu của mình. Đây là tiếng nói về quyền yêu và quyền được yêu, về sự bình quyền giữa nam và nữ trong tình yêu. Nó đi ngược lại lễ giáo phong kiến trong chuyện nhân duyên, nhất là đối với người phụ nữ. Họ không được quyền tự quyết định, mà phải: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
Dòng cuối là một phủ định, phủ định về sự không thành, nhân duyên không trọn vẹn. Dòng thơ này lối dùng từ của Hồ Xuân Hương rất đắt khi bà đặt từ “Đừng” ở đầu dòng, nhờ đó tạo nên giọng điệu van lơn, như cầu mong sự bất hạnh, ngang trái trong tình duyên sẽ không đến với Hồ Xuân Hương, để tình của nàng “Đừng xanh như lá, bạc như vôi”. Tức là Hồ Xuân Hương không phải gặp lại chính lòng mình. Như vậy, phủ định ở đây mang ý nghĩa khẳng định, nhấn mạnh niềm mong mỏi tình duyên của người con gái – cái tôi trữ tình - Hồ Xuân Hương sẽ đạt được như ước nguyện, không có sự chia lìa, không “vô duyên” mà “thắm lại”. Tức Hồ Xuân Hương sẽ gặp được người “phải duyên” với mình.
Dòng thứ tư bắt mạch với dòng ba và hai dòng đầu ở chỗ: nó mang ý nghĩa phủ định cái không nên, đừng xảy ra, và đó là bước phát triển tiếp theo trong tâm trạng nhân vật trữ tình. Hồ Xuân Hương không chỉ giãi bày tâm trạng, bộc lộ niềm khát khao yêu thương và mong muốn được đáp lại, mà còn biết lo lắng, dự cảm về những ngang trái có thể xảy ra trong tương lai. Từ đó nàng bộc lộ mong ước tình duyên sẽ trọn vẹn, nàng sẽ gặp được người tâm đầu ý hợp, để nàng không phải lẽ loi, đơn côi, như miếng trầu không có người ăn mà: “xanh như lá, bạc như vôi”.
Thiết nghĩ cũng cần bàn thêm ở hình tượng miếng trầu và việc mời trầu. Nó dù thể hiện cái tâm thế chủ động, dâng hiến, tiến tới với tình yêu, một phong cách hết sức hiện đại. Nhưng cũng chính việc ví thân phận, tình yêu người con gái với hình ảnh miếng trầu, và việc mời trầu, ta nhận thấy tự bản thân những điều đó nói lên cái bạc bẽo, thụ động của thân phận người con gái trong xã hội phong kiến. Cùng với nỗi hoài nghi ở câu thứ ba, sự phủ định, cảm thán ở câu thứ tư, làm cho bài thơ có phần nào nhuốm màu sắc bi quan, thể hiện sự đơn côi, lạc lõng của một tài nữ đa đoan.
3.        Người đời sau tôn xưng Hồ Xuân Hương là bà chúa thơ Nôm quả rất xứng. Thơ về tình yêu, nhân duyên của bà không nhiều nhưng đó là những tác phẩm hàm chứa những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là tâm tư tình cảm, thân phận của người con gái trong xã hội phong kiến, là khát vọng được yêu, được lựa chọn người mình yêu, là khao khát có được một tình yêu tự do.
Bài thơ “Mời trầu” thể hiện rõ phong cách nghệ thuật của Hồ Xuân Hương, trong đó đặc biệt nổi bật ở sự phá cách, hiện đại. Điểm độc đáo và tạo nên cá tính thơ Hồ Xuân Hương còn ở chỗ bà chuyển tải những giá trị nhân văn bằng những thủ pháp nghệ thuật tài tình. Nhất là ở việc dùng chữ một cách điêu luyện, trong việc tạo sự đăng đối như: Quả cau/miếng trầu, nho nhỏ/hôi; Xuân Hương/quyệt rồi; phải duyên/thắm lại; xanh/bạc, lá/vôi; đối giữa câu 3 với câu 4, ở lối đảo kết cấu trật tự câu thơ, hiệp vần. Bên cạnh đó, thanh luật của thể thơ thất ngôn tứ tuyệt tạo nên tính nhạc, nhịp điệu cho từng dòng thơ, giữa các dòng thơ với nhau cũng như toàn bài thơ một tiết tấu hài hoà, nhịp nhàng trầm bổng như một bản giao hưởng.  (3)
Ở “Mời trầu”, từ hệ thống hình ảnh đến cảm xúc trữ tình, quan điểm nghệ thuật, triết lí nhân sinh, và một cái tôi cá nhân rõ nét kết hợp với ngôn ngữ thể hiện là chữ nôm, làm cho bài thơ thấm đẫm bản sắc Việt Nam. Màu sắc Đường thi của thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt chỉ còn mờ nhạt ở niêm luật, trong giới hạn về câu chữ, khuôn khổ. Còn cái cốt lõi, cái tinh tế, hồn phách, hay da thịt của bài thơ đã được tác giả Việt hóa một cách tài tình. Sự phá cách trong sáng tạo nghệ thuật ở đây, cũng giống như việc người xưa tạo ra chữ Nôm từ chữ Hán, để nó gần gũi, thân thuộc, phù hợp với ngôn ngữ, điệu hồn của người Việt Nam. Hơn thế, nó còn thể hiện cái chí khí quật cường, lòng tự hào dân tộc, cái bản lĩnh “tiếp biến” văn hóa của người Việt Nam xưa và nay.
                                                                                               Ngô Xuân Phúc
                                                                                                 Vinh, 2002
Chú thích:
1. Hồ Xuân Hương có một bài thơ có tiêu đề là “Giếng Thơi” (Giếng làng): “Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông; Giếng tốt thanh thơi, giếng lạ lùng,; Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,; Nước trong leo lẻo một dòng thông.; Cỏ gà lún phún leo quanh mép,; Cá diếc le te lách giữa dòng.; Giếng ấy thanh tân ai cũng biết,; Đố ai dám thả nạ dòng dòng.”.
2. Bài thơ này nằm trong số những bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, vì thế nó tồn tại một số dị bản. Như tiêu đề (tên) của bài thơ này có một số nhà sưu tầm biên soạn và giới thiệu với tên gọi là: “Miếng trầu” như – Lữ Huy Nguyên, Thơ Hồ Xuân Hương, NXB Văn Hoá Thông Tin, HN 2006. 
3. Chúng ta có thể phân tích bài thơ Mời Trầu bằng phương pháp phân tích cấu trúc tác phẩm dựa trên đặc điểm cấu trúc của thể thơ Đường luật thất ngôn tứ tuyệt. Theo đó, bài thơ được phân tích theo cấu trúc: đề - thực – luận - kết và trên hai lớp nghĩa. Cụ thể: 1) Phân tích cấu trúc theo lớp nghĩa hiển ngôn (hay nghĩa đen, nghĩa tường minh) của bài thơ: dòng 1 giới thiệu về các thành phần của miếng trầu, dòng 2 là lời mời của chủ nhân miếng trầu, dòng 3 thể hiện việc miếng trầu có người ăn sẽ cho thứ nước đỏ “thắm”, dòng 4 là phủ định việc miếng trầu sẽ không có người ăn nên các thành tố của miếng trầu vẫn mỗi thứ một nơi, tức khẳng định miếng trầu sẽ có người ăn. 2) Phân tích cấu trúc theo lớp nghĩa hàm ngôn (hay nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ): dòng 1 giới thiệu về cái tình hay tâm sự của người con gái đến tuổi yêu, dòng 2 giới thiệu chủ thể hay cái tôi trữ tình và lời mời gọi, dòng 3 là ước muốn của nhân vật trữ tình sẽ gặp được người “phải duyên”, có duyên với mình để gắn kết thành tình yêu. Tức là sự xứng lứa vừa đôi, hợp duyên của người tình mà người con gái đang khao khát gặp được trong đời, dòng 4 là việc phủ định sự vô duyên, tức là sẽ trao thân, gửi phận không đúng người, không như ước nguyện, để cho lá vẫn xanh, vôi vẫn bạc, không hòa hợp vào nhau. Qua đó khẳng định nhân vật trữ tình sẽ gặp được người “có duyên, phải duyên”. Phân tích bài thơ theo hướng này dễ hiểu, đồng thời làm nổi bật được đặc trưng của thể loại thơ cũng như cái tài của “Bà Chúa Thơ Nôm” Hồ Xuân Hương.


Ảnh
Ảnh
2014-03-09
2 ảnh - Xem album