Theo lời khuyên của người bạn, sau khá nhiều đắn đo rồi tôi cũng gọi cho cô ấy, giọng nói phương Nam ấm áp khiến tôi xúc động. Cảm nhận được ở phía bên kia cô ấy cũng đang gắng kiềm chế cảm xúc. Và đó là âm hưởng chính, trạng thái chính của cuộc điện đàm.
Một vài lo lắng vì sẽ bị lộ chuyện đi tị nạn và như vậy sự an nguy cho bản thân là khó tránh khỏi. An ninh, quân đội sẽ theo dõi sát sao, khi cần chúng hành động ngay, nội gián là những người sống chung sẵn sàng tiếp tay cho chúng.
Chờ đợi có lẽ hợp lý hơn, khi đã chắc đi được, rời Việt Nam mới liên lạc. Cuộc gọi đó là sự mạo hiểm vì cả tôi và người giúp tôi có được số máy của cô ấy đều không thể chắc chắn sẽ trót lọt để tôi rời Việt Nam với tư cách một người đi tị nạn chính trị theo sự bảo trợ của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn. Cả tôi và người bạn đều hồi hộp chờ đợi, không nói ra nhưng ai cũng hiểu cộng sản không buông tha dễ dàng. Phía Tổng Lãnh Sự thì chỉ có thể đón tôi ở sân bay hoặc ga tàu, bến xe ở Sài Gòn, ngoại vi và tỉnh khác thì họ không thể, nó vi phạm luật Việt Nam.
Tôi nói về chuyện được khuyên gọi cho cô ấy, hỏi việc cô ấy đã lấy chồng… tôi nói vì thông tin trên mạng và nghe đồn, hãy cho biết nó đúng hay không. Cô ấy thừa nhận tất cả. Đó là một nguyên do chính tôi không muốn gọi điện cho cô ấy, muốn chờ để ghé thăm gia đình cô ấy khi ở Mỹ, tức chuyến đi trót lọt.
Tôi giải thích một cách máy móc, ngốc nghếch về lý do gọi và sự cần thiết theo yêu cầu. Ngoài ra, còn vì người đưa số cô ấy cho tôi cho biết cô ấy khóc khi nói về tôi. Tôi cũng muốn nói chuyện thật, có lẽ chỉ để cô ấy mạnh mẽ và không buồn nữa.
Rồi tôi cúp máy với một nỗi buồn man mác, cô ấy gọi lại mấy cuộc tôi đều bấm nút từ chối. Mãi rồi tôi cũng nghe máy. Cô ấy nói có cần giúp gì thêm không, bất kể để cô ấy thu xếp. Bất chợt xen ngang vào cuộc thoại lời của một ai đó, là giọng nam, nói: Ở Việt Nam gọi chắc cần giúp đỡ về tài chính, bạn bè cũ thì nhờ vả này khác.
Tôi hỏi: Chồng hả.
Cô ấy bảo đúng.
Tôi nói nếu qua đó chắc tôi phải cam đoan không làm ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình của cô ấy quá.
Cô ấy cười, nạt người kia im lặng, rồi nói: Nếu vậy thì yên tâm, sẽ không bị làm phiền khi nói chuyện nữa đâu.
Sau cuộc gọi tôi có nói qua với người bạn, anh ta bảo không nghĩ cô ấy quan tâm và sẵn sàng giúp như vậy.
Nhưng rồi hàng loạt biến cố xảy đến. Chính quyền bao vây, chúng dùng người thân đánh vào đầu, cho xóm làng chửi rủa mỗi khi thấy tôi hay tôi đi ra ngoài: Đồ phản động. Anh cùng mẹ khác cha, chị cùng mẹ khác cha cũng đòi được đi, cũng bắt phải xin cho đi, phải hướng dẫn để họ làm hồ sơ tị nạn chính trị. Dù họ không thuộc đảng phái, bất đồng gì, còn có tiền án tiền sự nữa.
Khi phía Tổng Lãnh Sự gọi điện báo tôi vào Tổng Lãnh Sự hoàn thiện thủ tục để đi thì an ninh túc trực 24/24g ở phía ngoài nhà. Tôi có hỏi và đề xuất việc có xe đón nhưng TLS HK cho biết đó là quy định chung, không làm gì khác được. Hàng xóm, láng giềng được huy động tối đa để tham gia canh giữ, báo chính quyền ngay khi tôi rời nhà.
Lãnh đạo cơ quan ở QK4, đến thông báo nếu đi thì bị bắt sẽ xét theo tội phản động. Khuyên tôi nên bỏ hết, tiếp tục phục vụ thì sẽ cho qua, vì chưa đi thì chưa thể kết án. Và Quân đội sẽ cùng an ninh phối hợp trong việc đảm bảo tôi không thể đi được. Nhân dân trong khối được vận động hợp tác và buộc phải hợp tác để ngăn chặn phản động theo Mỹ, chạy qua Mỹ.
Lệnh cấm rời nơi cư trú được thực thi từ công an, chúng đọc và áp giải tôi về nhà khi tôi rời khỏi nhà. Quân đội yêu cầu gia đình phải báo ngay khi tôi rời khỏi địa phương.
Có một đêm lang thang mấy tuyến đường, bến xe để bắt xe vào Nam nhưng tất cả các xe chạy qua đều không dừng lại, mặc tôi vẫy, làm hiệu dừng. Chúng dừng bắt khách cách chỗ tôi đứng không xa, tôi chạy đến thì chùng từ chối rồi cho xe chạy.
Mệt mỏi đành quay về.
Sau đó là những trò khủng bố tinh thần ở mọi lúc, mọi nơi. Là chửi rủa, xỉ vả, là đánh vào đầu khi ngủ. Đến cả tháng suy sụp nằm liệt không dậy mà chẳng biết bệnh gì, chỉ biết là sáng dậy đầu đau như búa bổ, nhức buốt, trống rỗng.
Thời gian này đến cả đi trên phố, ở những chỗ cách nhà 4, 5 cây số vẫn nghe, thấy, người ta ngoác mồm hướng về phía mình mà chửi: Đồ phản động, … Ngóc ngách nào của thành phố cũng có người theo, cũng nghe tiếng chửi. Ít lâu sau, đi đến các tỉnh khác cũng nghe, dù ít, thưa hơn. Đơn giản họ muốn nói rằng: Họ biết tôi là phản động, liệu hồn, coi chừng.. Đến bạn bè gặp nhau cũng chửi thẳng vào mặt: “đồ phản động”.
Nhiều lúc giật mình, thoảng thốt, sợ hãi. Đi đến đâu cũng vậy. Qua được và sống, viết tiếp đến bây giờ là một kỳ tích.
Cuối cùng đành chấp nhận ở lại, không tìm cách vào Sài Gòn nữa. Chấp nhận từ bỏ chờ cơ hội khác. Và cũng mất liên lạc, mất trí nhớ, quên cô ấy từ đó đến nay.
12/07/2017.
N.X.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét